Chỉ thị 07/2008/CT-BGTVT về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải giai đoạn 2008 - 2012 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 07/2008/CT-BGTVT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành: 30/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 11/06/2008 Số công báo: Từ số 343 đến số 344
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 07/2008/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2008 - 2012

Thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải kèm theo Quyết định số 530/QĐ-BGTVT ngày 04/03/2008 và Quyết định số 1044/QĐ-BGTVT ngày 16/4/2008. Trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều biện pháp, hình thức nhằm từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông vận tải của cán bộ, công chức, viên chức, người dân từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL trong ngành giao thông vận tải vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện ở nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cá nhân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này chưa đúng mức; chương trình, nội dung PBGDPL còn thiếu hấp dẫn, dàn trải, nặng về hình thức và chưa đi vào chiều sâu; hình thức và phương pháp PBGDPL chậm được đổi mới; đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu mới; kinh phí, tài liệu, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL của ngành giao thông vận tải với các tổ chức chính trị - xã hội, với chính quyền địa phương các cấp còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL về giao thông vận tải trong tình hình mới, nhằm đạt được mục tiêu Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:

1. Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác PBGDPL; tổ chức thực hiện Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Giao thông vận tải. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong toàn ngành, xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhưng cũng là một trong những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong giao thông, tạo thói quen tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành và của người dân khi tham gia giao thông.

2. Đến hết năm 2012, công tác PBGDPL về giao thông vận tải phải phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

a. Từ 80 – 90% người dân trên toàn quốc được tuyên truyền về pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khac nhau;

b. Trên 95% cán bộ, công chức, viên chức của ngành giao thông vận tải được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình bằng những hình thức khác nhau;

c. 95% tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về giao thông vận tải liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp bằng những hình thức khác nhau.

3. Nội dung PBGDPL cần lựa chọn một cách hợp lý, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả, thiết thực đối với từng đối tượng, đối với từng địa phương, cụ thể:

a. Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giao thông vận tải: bên cạnh việc thường xuyên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật nói chung, cần tập trung vào các nội dung cơ bản như nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; cần xác định cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông vận tải. Việc bình xét, phân loại thi đua, khen thưởng hàng năm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị phải xem xét đến việc hoàn thành nhiệm vụ PBGDPL được giao;

b. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải: cần tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân;

c. Đối với các đối tượng khác (người tham gia giao thông): cần tập trung vào các quy định cụ thể của pháp luật về an toàn giao thông, phù hợp với trình độ dân trí của từng đối tượng, từng địa phương; cần tổng kết, thống kê những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông thường xảy ra để từ đó tập trung tuyên truyền có trọng điểm và hiệu quả.

4. Hình thức, phương pháp PBGDPL

a. Đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức PBGDPL: lồng ghép nội dung PBGDPL vào nội dung các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị; cung cấp các tài liệu PBGDPL và xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức báo cáo chuyên đề về pháp luật giao thông vận tải; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giao thông vận tải; giới thiệu toàn bộ nội dung văn bản pháp luật qua các ấn phẩm và trang thông tin điện tử, có thể biên tập dưới dạng hỏi – đáp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích văn bản pháp luật; tăng cường giới thiệu các quy định của pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng, tổ chức trao đổi, đối thoại trực tiếp, giải đáp các yêu cầu từ phía đối tượng được tuyên truyền nhằm nâng cao tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức pháp luật; thông qua hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị như: thanh tra, kiểm tra, cấp giấy phép… để phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật;

b. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường việc PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương người tốt việc tốt trong việc chấp hành quy định về an toàn giao thông;

c. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài để phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp đến từng hộ gia đình, từng người dân, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đưa việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông thành tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng và bình xét, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng năm;

d. Đẩy nhanh việc xã hội hóa trong công tác PBGDPL để huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội.

5. Tập trung đầu tư các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL

a. Về cán bộ làm công tác PBGDPL:

Tất cả các Tổng cục, Cục, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính phải cử cán bộ chuyên trách có năng lực để thực hiện công tác pháp chế, trong đó một trong những nhiệm vụ chủ yếu là giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế nhưng chưa qua đào tạo chuyên ngành luật.

b. Về thể chế:

Xây dựng Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm để tổ chức thực hiện công tác PBGDPL trong toàn ngành.

c. Về tài liệu, thiết bị:

Xây dựng danh mục thiết bị, tài liệu cơ bản phục vụ công tác PBGDPL nhằm định hướng cho việc biên soạn, phát hành trong một số năm tới. Tăng cường biên soạn, phát hành mới tài liệu PBGDPL có hiệu quả. Có cơ chế giảm giá, cấp không thu tiền một số tài liệu pháp luật thiết yếu đối với các đối tượng thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

d. Về kinh phí:

Vụ Tài chính và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xây dựng cơ chế bố trí ngân sách giành riêng cho công tác PBGDPL theo quy định. Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc phân bổ kinh phí về công tác PBGDPL cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo đúng quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 5/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL và các văn bản hiện hành về chế độ tài chính.

Tăng cường việc huy động kinh phí từ các dự án, đề án, chương trình và các nguồn kinh phí khác phục vụ cho công tác PBGDPL. Các dự án, đề án của Bộ cần bổ sung kinh phí cần thiết giành cho việc xây dựng thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Các Vụ, Tổng cục, Cục, Viện, Thanh tra, Văn phòng và đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm:

a. Xây dựng Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch thực hiện hàng năm của đơn vị mình, trình Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế) xem xét đưa vào Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ.

- Nội dung chính của Chương trình, Kế hoạch bao gồm:

+ Đối tượng cụ thể cần PBGDPL;

+ Nội dung pháp luật cần phổ biến cho mỗi đối tượng;

+ Các hình thức PBGDPL phù hợp với từng địa bàn và đối tượng;

+ Thời gian, tiến độ thực hiện;

+ Các biện pháp thực hiện.

- Thời gian trình Bộ Chương trình, Kế hoạch:

+ Xây dựng Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 của cơ quan, đơn vị mình trình Bộ trước ngày 31/8/2008;

+ Hàng năm, xây dựng, trình Bộ Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình trong năm tiếp theo trước ngày 01 tháng 10 (kèm theo dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình).

b. Tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ: Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 sau khi Bộ Giao thông vận tải ban hành và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.

Riêng các trường, cơ sở, trung tâm đào tạo thuộc Bộ, phải tăng cường công tác PBGDPL về  giao thông vận tải (cụ thể là Luật Giao thông đường bộ và các luật chuyên ngành khác về giao thông vận tải có liên quan) cho đối tượng là học sinh, sinh viên.

7. Các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm:

a. Xây dựng Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định của UBND cấp tỉnh, trong đó, cần có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn địa phương.

b. Tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 sau khi Bộ Giao thông vận tải ban hành và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Giao thông vận tải;

8. Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế, các Cục, Vụ liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng trong ngành giao thông vận tải mở chuyên mục PBGDPL và tăng dung lượng các thông tin PBGDPL trực tiếp trên Website Bộ Giao thông vận tải.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng trong ngành giao thông vận tải: Báo Giao thông vận tải, các Tạp chí ngành… cần tăng cường đăng tải các nội dung và đa dạng hóa hình thức PBGDPL trên các báo, tạp chí.

10. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:

a. Chủ trì, tổ chức lập Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở Chương trình, Kế hoạch do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải xây dựng; làm đầu mối để tổ chức triển khai công tác PBGDPL trong toàn ngành; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng để phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải; phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các trường trực thuộc Bộ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong ngành giao thông vận tải; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu pháp luật về giao thông vận tải trên Website của Bộ.

b. Chủ trì theo dõi, định kỳ kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL trong toàn ngành; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải nghiêm túc thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng PHCTPBGDPL của Chính phủ;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Cơ quan Bộ GTVT;
- Công đoàn ngành GTVT;
- Công đoàn cơ quan Bộ GTVT;
- Các Vụ, Cục, Viện, Thanh tra, Văn phòng, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Sở GTVT, Sở GTCC;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website CP, Website Bộ GTVT;
- Lưu VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng