Chỉ thị 07/2007/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2007
Số hiệu: 07/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Bùi Văn Danh
Ngày ban hành: 01/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 01 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN NĂM 2007

Năm 2007 dự báo tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, lũ, lụt, lốc xoáy, thiên tai có nguy cơ tăng cao, mức độ nghiêm trọng. Từ đầu tháng 01/2007 đến hết tháng 3/2007, hiện tượng Ei-Ninô đã xuất hiện gây nắng nóng kéo dài có những ngày nhiệt độ lên đến 380C tại Đồng Xoài, trong tháng 3/2007 tuy có một vài cơn mưa nhưng tình hình khô hạn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh; hiện tại mực nước ở hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm, mực nước ngầm xuống thấp, các suối nhỏ hầu như không còn nước. Theo tổ chức khí tượng Thế giới (WMO) thông báo hiện tượng Ei - Ninô đến nay đã chấm dứt, nhưng có nhiều khả năng hiện tượng thời tiết Ca - Ni Na sẽ xuất hiện trong thời gian tới, trong mùa mưa 2007 ở nứơc ta sẽ xảy ra nhiều cơn bão, hiện tượng lũ, lụt có khả năng sẽ lớn hơn so với các năm trước. Nhiệm vụ phòng, chống, lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn yêu cầu ngày càng cao.

Thực hiện Chỉ thị số 08/2007/CT-TTg ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 40/2007/CT-BNN ngày 03/5/2007 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007, UBND tỉnh Chỉ thị các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt một số việc sau đây:

I. Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh1. Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn (PCLB & TKCN) năm 2006 và xây dựng phương hướng công tác năm 2007.

2. Xây dựng kế hoạch, phương án PCLB & TKCN năm 2007, phân công, phân cấp cụ thể cho các cấp, các ngành kiểm tra tại chỗ việc thực hiện phương án huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để PCLB & TKCN trên từng địa bàn, nhất là các địa phương thường xảy ra lũ, bão; rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư phục vụ công tác PCLB & TKCN hiện có để có kế hoạch sửa chữa, bổ sung, bảo đảm số lượng và chất lượng cần thiết và có thể huy động kịp thời khi thiên tai, sự cố xảy ra.

3. Phối hợp với đơn vị tư vấn và các địa phương thực hiện hoàn thành việc điều tra, đánh giá khoanh vùng thường xuyên xảy ra lũ, lụt từ đó xác định mức độ ngập lụt, xây dựng bản đồ ngập lụt và cắm mốc cảnh báo tình hình ngập lụt ở các vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt, đồng thời đưa ra biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do lũ, lụt và thiên tai gây ra đặc biệt là vùng hạ lưu các hồ thủy điện trên Sông Bé.

4. Hợp đồng với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo về thời tiết lũ, bão, thiên tai và biện pháp phòng ngừa lũ, lụt, lốc, sét và các thiên tai khác cho Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước và các Đài Phát thanh huyện, thị xã tuyên truyền thông tin kịp thời cho nhân dân trong tỉnh biết để có biện pháp phòng tránh.

5. Hợp đồng với Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dự báo, cảnh báo lũ đầu nguồn sông Đồng Nai nhằm tăng cường công tác dự báo, cảnh báo cho nhân dân các xã thuộc huyện Bù Đăng chủ động đối phó.

6. Phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srock Phu Miêng để thông báo tình hình xả lũ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng của việc xả lũ.

7. Tham mưu UBND tỉnh điều hành xử lý kịp thời có hiệu quả trong việc đối phó với lũ, lụt, bão và thiên tai khác; kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tổ chức trực ban phòng, chống lụt, bão đúng theo quy định.

II. Các Sở, ban, ngành

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng cần xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống cứu trợ, cứu nạn khẩn cấp và khắc phục hậu quả lũ, lụt và thiên tai. Đây là lực lượng chủ lực trong công tác PCLB & TKCN.

2. Lực lượng Công an tỉnh, huyện, thị xã đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra, đồng thời phối hợp với lực lượng quân đội, các ngành, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn.

3. Công ty Viễn thông thuộc Bưu điện tỉnh, Viễn thông Điện lực, Viễn thông Quân đội, hệ thống liên lạc bộ đàm của ngành Công an, Quân đội, Điện lực phải đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt trong mọi tình huống từ tỉnh đến huyện, xã kể cả những nơi đang xảy ra lũ, lụt.

Điện lực Bình Phước có kế hoạch, lập đầy đủ phương án đảm bảo cung cấp điện, chuyển nguồn điện trong mọi tình huống, đặc biệt là các khu vực quan trọng như khu trung tâm hành chính tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình… phải có phương án sẵn sàng chi viện hỗ trợ lực lượng, phương tiện giữa các khu vực trong tỉnh, để xử lý kịp thời các sự cố lớn lưới điện xảy ra do lụt, bão.

4. Sở Giao thông - Vận tải chủ động lực lượng, phương tiện xe cộ sẵn sàng dọn dẹp cây xanh, công trình ngã đổ ra đường; chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường quốc lộ, đơn vị BOT đường trong thời gian sớm nhất, khắc phục hậu quả của lũ, lụt đảm bảo giao thông thông suốt.

5. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn và hỗ trợ huyện Bù Đốp tổ chức diễn tập phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2007 đạt kết quả cao. Chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kế hoạch tu bổ các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, xây dựng các công trình thủy lợi theo tiến độ vượt lũ; có phương án nhằm bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ và bảo vệ sản xuất ở những vùng thường xuyên bị lũ, lụt; tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện phòng, chống dịch, bệnh cho người, gia cầm trong mùa mưa lũ.

6. Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình phước và các Đài truyền thanh các huyện, thị xã tăng cường công tác truyền tin, thông báo chính xác, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo về thời tiết, lũ, bão, động đất, thực hiện đúng Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ ban hành kèm theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên đưa tin về các kinh nghiệm, các điển hình trong công tác PCLB & TKCN và khắc phục hậu quả. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

7. Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi chặt chẽ công tác PCLB & TKCN của UBND các huyện, thị xã, phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đề xuất UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ kịp thời về tài chính và vật chất cho UBND các huyện, thị xã, các ngành để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

8. Sở Thương mại - Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thị xã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập sâu và kéo dài. Trước mùa mưa, lũ hàng năm phối hợp với UBND cấp huyện, xã thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, từ tháng 7 đến tháng 11 ở mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, xã và mỗi huyện, thị xã phải có lượng dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để đủ sử dụng cho thời gian tối thiểu là 02 tuần lễ.

9. Sở Y tế: Trước mùa mưa, bão có kế hoạch chuẩn bị dự trữ đủ số thuốc dự phòng và thường xuyên tổ chức kiểm tra, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong mùa mưa lũ.

10. Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srock Phu Miêng có kế hoạch, phương án điều tiết nước hồ và phương án xả lũ, dự báo thời gian xả lũ. Mỗi khi có kế hoạch xả lũ cần thông báo kịp thời đến Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh cũng như các huyện, thị xã trong vùng bị ảnh hưởng của xả lũ để có biện pháp phòng tránh nước dân cao.

11. Các Sở, cơ quan, ban, ngành khác: Theo chức năng nhiệm vụ của mình vừa tổ chức thực hiện công tác PCLB & TKCN trong phạm vi ngành, đơn vị mình vừa phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB & TKCN thực hiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bình Phước tại Quyết định số 16/2003/QĐ-UB ngày 06/3/2003 của UBND tỉnh.

III. UBND các huyện, thị xã

1. Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB & TKCN ở cấp mình tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2006 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án cho năm 2007 có hiệu quả; đảm bảo thống nhất, đồng bộ và có hệ thống từ cấp huyện, thị xã xuống cấp xã nhất là các vùng trọng điểm về lũ, lụt; kế hoạch và phương án PCLB & TKCN phải quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ”; tổ chức tập huấn, triển khai diễn tập thực địa theo kế hoạch và phương án của mình.

2. Đối với các địa phương bị hạn hán, cần chỉ đạo làm tốt việc khắc phục hậu quả, thực hiện cứu trợ, cứu đói kịp thời;

3. Củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB & TKCN ở huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn theo hướng tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả; chỉ đạo rà soát để hoàn thiện các phương án, kế hoạch PCLB & TKCN sát với tình hình thực tế của từng địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những vùng trọng điểm, xung yếu và các vùng, khu vực thường xuyên xảy ra lũ, bão, thiên tai để chủ động xử lý, đối phó kịp thời trong mọi tình huống.

4. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động đối phó có hiệu quả đối với các sự cố do thiên tai gây ra.

5. Tăng cưởng sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tuyên truyền giáo dục nhân dân cảnh giác với lũ, lốc, thiên tai gây ra, để chủ động ứng phó phòng, chống khắc phục có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

6. Chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã ở những nơi thường xảy ra lũ, lụt, lốc, sét và các thiên tai khác thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân cảnh giác với thiên tai; dự trữ vật tư, hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thuốc chữa bệnh và các hàng hóa cần thiết khác từ gia đình đến thôn, xã, huyện, thị xã nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa vùng có đường giao thông đi lại khó khăn; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của lũ, lụt, chủ động tổ chức việc phòng tránh tại chỗ; xây dựng kế hoạch, phương án di dời bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng thường xảy ra lũ, lụt, lốc và các thiên tai khác.

7. Khi lũ, bão, thiên tai xảy ra, UBND huyện, thị xã phải chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình có quy định và hướng dẫn cụ thể về quy trình huy động nguồn lực, phân phối nguồn lực và các công việc khác để chủ động đối phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả khi thiên tai, tai nạn xảy ra; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các số liệu thiệt hại phải được kiểm tra, xác minh trước khi báo cáo lên cấp trên.

8. Tổ chức chỉ đạo tốt công tác thu lập quỹ phòng, chống lụt, bão theo chỉ tiêu được giao, trích nộp quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh đúng thời hạn, đúng tỷ lệ, nhất là các huyện, thị xã chưa truy thu được quỹ PCLB của các năm trước như huyện Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài và huyện Lộc Ninh; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ phòng, chống lụt, bão.

UBND tỉnh yêu cầu Trưởng Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả về thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Danh