Chỉ thị 07/2006/CT-UBND xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành
Số hiệu: | 07/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn | Người ký: | Dương Thời Giang |
Ngày ban hành: | 04/08/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2006/CT-UBND |
Lạng Sơn, ngày 04 tháng 8 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XIV về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 theo các nội dung chủ yếu sau:
A. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 2007
I. Nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007
1. Mục tiêu
Phấn đấu đạt nhịp độ phát triển kinh tế cao. Cải thiện cơ bản về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao tính hiệu quả của việc sử dung các nguồn tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, đào tạo nghề để nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
2. Nhiệm vụ chủ yếu
1- Phấn đấu đạt nhịp độ phát triển kinh tế cao và bền vững. Cải thiện cơ bản về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm hàng hoá. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,5-12%; trong đó: nông lâm nghiệp tăng 3,5-4%, công nghiệp - xây dựng tăng 19-20%, dịch vụ tăng 14,5-15%. Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chiếm 36-37%, công nghiệp - xây dựng 22-23%, dịch vụ 41- 42% trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP).
2- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nội ngành nông lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thuỷ sản; tăng sản lượng cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm, cây đặc sản gắn với thị trường. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất và phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, cơ khí lắp ráp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Tiếp tục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng cho các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, nhất là ở khu vực thành phố, thị trấn, các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch. Tổ chức tốt thị trường nội địa, thị trường khu vực nông thôn.
3- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh một cách đồng bộ, năng động, linh hoạt, đúng khung khổ pháp luật, đảm bảo có tác dụng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, trọng tâm là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các Tổng công ty, doanh nghiệp lớn trong nước. Huy động doanh nghiệp, khu vực dân doanh đầu tư các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, sản xuất xi măng, thủy điện, khu đô thị mới, khu kinh tế cửa khẩu và các khu du lịch, khu di tích, danh lam, thắng cảnh. Tăng khả năng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ phi Chính phủ.
4- Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cơ bản khối lượng nợ xây dựng cơ bản, chỉ đầu tư mới những công trình thật cấp bách, ưu tiên bố trí vốn cho công trình trọng điểm. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
5- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu ngân sách. Tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tìm các nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đối với các khoản chi từ ngân sách nhà nước, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực. Tiếp tục củng cố, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng.
6- Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, dạy nghề, thí điểm xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, thông tin cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng xa, khu vực biên giới. Tiếp tục đổi mới phát triển giáo dục và đào tạo, mở rộng hệ thống trường dạy nghề. Cải thiện một bước chất lượng nguồn nhân lực. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc như xoá đói giảm nghèo, việc làm, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác. Nâng cao đời sống nhân dân các vùng, miền, khu vực.
7- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt cơ chế "một cửa” ở các ngành, các cấp. Nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
8- Củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
II. Nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007
Năm 2007 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2007 - 2010 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách năm 2007 của các cấp ngân sách được xây dựng theo hướng đảm bảo sự phát triển ngân sách địa phương, tăng khả năng tự cân đối, tăng chi cho đầu tư phát triển và các khoản chi đột xuất của địa phương.
Dự toán ngân sách các cấp năm 2007 phải xây dựng trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách nhà nước năm 2007, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
1- Dự toán thu ngân sách năm 2007 phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 đã được Đại hội Đảng các cấp thông qua, căn cứ vào khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của năm 2006, dự báo về tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2007 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và dự kiến các nguồn thu mới phát sinh để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, từng khoản thu theo chế độ. Phấn đấu số thu ngân sách nội địa tăng từ 14% trở lên so với số thực hiện năm 2006 (không kể tăng thu từ tiền sử dụng đất). Dự toán thu ngân sách của các huyện, thành phố phải tăng tối thiểu 5% so với số dự toán thu của UBND tỉnh giao và tăng tối thiểu 20% so với ước thực hiện năm 2006 (không kể tăng thu từ tiền sử dụng đất).
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2007 phải có tính khả thi cao, đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, mở rộng thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả chống thất thu, trốn lậu thuế, gian lận thương mại, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế.
2- Dự toán chi ngân sách nhà nước phải được xây dựng căn cứ theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007, Thông tư số 56/2006/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007.
3. Các cấp ngân sách phải quán triệt thực hành tiết kiệm,chống lãng phí theo tinh thần Quyết định số 25/2006/ QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo việc xây dựng dự toán ngân sách, bố trí, sử dụng ngân sách thực sự tiết kiệm và có hiệu quả; chủ động đánh giá cụ thể kết quả thu - chi ngân sách năm 2006 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tiến hành xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại, sai phạm; rà soát tất cả các khâu trong công tác phân bổ, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ODA để đảm bảo việc quản lý, sử dụng ngân sách chặt chẽ, đúng chế độ, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
B. Tiến độ xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện
I. Tiến độ xây dựng kế hoạch
1. UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 vào ngày 8 tháng 8 năm 2006. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hoàn thành gửi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 8 năm 2006.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 của tỉnh trình UBND tỉnh trước ngày 20 tháng 8 năm 2006. UBND tỉnh gửi Kế hoạch năm 2007 cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
3. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2007, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách cho các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trước ngày 10 tháng 12 năm 2006 theo đúng Luật Ngân sách.
II- Phân công thực hiện
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tính toán, xây dựng định hướng, phương án tăng trưởng và cân đối lớn của năm 2007. Tổ chức hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2007 theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính dự kiến kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo các tiêu chí của Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu thực hiện trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 theo thông báo số kiểm tra về dự toán ngân sách và tổng hợp, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007.
3. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, tiến hành khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 của đơn vị mình; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện cho được các nhiệm vụ, mục tiêu đã xác định và thực hiện trình tự, tiến độ xây dựng kế hoạch đúng quy định.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
Thông tư 56/2006/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 Ban hành: 23/06/2006 | Cập nhật: 01/07/2006
Quyết định 151/2006/QĐ-TTg về Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007 Ban hành: 29/06/2006 | Cập nhật: 11/07/2006