Chỉ thị 06/CT-VKSTC năm 2017 về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết vụ án hình sự tạm đình chỉ
Số hiệu: | 06/CT-VKSTC | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Viện kiểm sát nhân dân tối cao | Người ký: | Lê Minh Trí |
Ngày ban hành: | 02/10/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hình sự, Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2017 |
Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp đã có nhiều cố gắng trong theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ (bao gồm tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo), khi có căn cứ phục hồi hoặc đình chỉ vụ án thì các vụ án tạm đình chỉ đều được xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số Viện kiểm sát chưa quan tâm đúng mức, chưa theo dõi, quản lý được đầy đủ số liệu án tạm đình chỉ; việc rà soát, phân loại, xử lý án tạm đình chỉ chưa được kịp thời, thường xuyên dẫn đến số lượng án tạm đình chỉ còn tồn đọng nhiều; việc xây dựng, quản lý hồ sơ án tạm đình chỉ ở một số nơi còn chưa được thực hiện chặt chẽ, nề nếp, có hồ sơ không lưu đầy đủ quyết định tố tụng, tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc hồ sơ, tài liệu bị hư hỏng, mục nát, thất lạc,... gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo tăng cường việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ tại đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê.
Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác này của đơn vị và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.
3. Việc rà soát, phân loại án tạm đình chỉ phải căn cứ vào giai đoạn tố tụng của vụ án, làm rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ, thời hạn tạm đình chỉ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và các căn cứ phục hồi hoặc đình chỉ vụ án đối với vụ án tạm đình chỉ.
Căn cứ kết quả rà soát, phân loại án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất hình thức, biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời án tạm đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể:
- Đối với các trường hợp chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định rõ nguyên nhân tạm đình chỉ và khẩn trương áp dụng các biện pháp khắc phục lý do tạm đình chỉ để phục hồi, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;
- Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, phải kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp ra quyết định đình chỉ hoặc tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, không thống nhất được quan điểm giải quyết giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thì Viện kiểm sát chủ trì, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
4. Báo cáo công tác định kỳ của Viện kiểm sát các cấp phải có nội dung phân tích chi tiết về số liệu thống kê, phân loại và xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
5. Chỉ đạo các đơn vị, bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có trách nhiệm lập, xây dựng hồ sơ án tạm đình chỉ theo đúng quy định về việc lập hồ sơ kiểm sát của Ngành.
Giao cho bộ phận văn phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Phòng Quản lý án hình sự thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận, theo dõi và quản lý hồ sơ án tạm đình chỉ của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
Việc chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ cho đơn vị, bộ phận có trách nhiệm quản lý phải được thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng, đầy đủ tài liệu, chứng cứ phù hợp với giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án theo quy định. Việc tiếp nhận để theo dõi, quản lý và bàn giao hồ sơ án tạm đình chỉ để xử lý, giải quyết phải theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.
6. Từ 01/12/2017, việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ giữa các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử với đơn vị có trách nhiệm quản lý được thực hiện khi có án tạm đình chỉ xảy ra. Đối với các vụ án đã tạm đình chỉ trước ngày 30/11/2017 thì việc hoàn thiện và chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ giữa các đơn vị phải thực hiện xong trước ngày 31/12/2017.
1. Căn cứ Chỉ thị này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ tại đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
2. Các đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6) có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thuộc lĩnh vực công tác được phân công.
Viện kiểm sát quân sự trung ương có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ của Viện kiểm sát quân sự cấp dưới thuộc lĩnh vực công tác được phân công.
3. Giao Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4) chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao tham mưu xây dựng Thông tư liên tịch về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong theo dõi, quản lý và giải quyết án tạm đình chỉ.
4. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp xây dựng quy định về lập, theo dõi, quản lý, tiếp nhận, bàn giao hồ sơ án tạm đình chỉ; đề xuất việc quy định bổ sung nội dung kiểm tra, báo cáo công tác định kỳ và các tỷ lệ, chỉ tiêu thi đua về công tác này vào hệ thống chỉ tiêu thi đua hàng năm của Ngành.
5. Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp xây dựng, hướng dẫn sử dụng phần mềm theo dõi, quản lý án tạm đình chỉ trong toàn Ngành.
6. Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để thực hiện tốt việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ.
7. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát các cấp và các cơ quan hữu quan tổ chức sơ kết, tổng kết, tổng hợp giải đáp vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ.
8. Giao Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
VIỆN TRƯỞNG |