Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 triển khai thi hành biện pháp xử lý hành chính
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đình Xứng
Ngày ban hành: 04/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 02 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Các biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Ngày 20/01/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Ngày 12/6/2014, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Để triển khai các biện pháp xử lý hành chính đúng quy định, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các đơn vị: Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật XLVPHC, Pháp lệnh số 09/2014/PL-UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết về các biện pháp xử lý hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân biết, hiểu và áp dụng thực hiện.

2. Sở Tư pháp

a) Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính theo quy định.

c) Căn cứ vào các văn bản pháp luật và chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong việc áp dụng các văn bản quy định về các biện pháp xử lý hành chính.

d) Làm đầu mối tiếp nhận các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

3. Sở Y tế

a) Chỉ đạo người đứng đầu cơ sở điều trị cai nghiện thuộc ngành Y tế có văn bản xác nhận về việc đưa người nghiện ma túy ra khỏi chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đối với người bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/01/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

b) Chỉ đạo người đứng đầu trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên và phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc kịp thời tổ chức cho các bác sỹ, y sỹ có đủ điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và cấp phiếu trả lời kết quả về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chỉ đạo các Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quyền hạn trong việc tiếp nhận, quản lý, điều trị người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật XLVPHC và Luật phòng chống ma túy.

b) Phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

5. Công an tỉnh

a) Khẩn trương chỉ đạo việc thu thập tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

b) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng Tư pháp, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân cùng cấp, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan trong việc áp dụng các biện pháp hành chính.

6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

Chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Tòa chuyên trách trong việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính do các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện hồ sơ và ban hành Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về biện pháp xử lý hành chính trong việc lập hồ sơ đề nghị, chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính sang Tòa án nhân dân cùng cấp và tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính sau khi quyết định của Tòa án có hiệu lực.

b) Chỉ đạo phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp UBND cùng cấp thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.

c) Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc đối chiếu hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cùng cấp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp với Công an huyện đưa người phải chấp hành vào cơ sở cai nghiện theo quy định.

d) Có chính sách hỗ trợ những người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, tìm việc làm, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

e) Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật.

Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh;
- Các Sở: Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đài PT - TH tỉnh, Báo Thanh Hóa;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng