Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi hợp tác xã và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Huỳnh Khánh Toàn
Ngày ban hành: 24/04/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 24 tháng 4 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI HỢP TÁC XÃ VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 162 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Trong những năm qua, các hợp tác xã đã từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; một số hợp tác xã tổ chức và hoạt động chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã, công nợ tồn đọng, không huy động được vốn góp mới; nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chỉ tồn tại về hình thức; rất ít hợp tác xã có đầu tư mới; hoạt động hỗ trợ thành viên chưa nhiều; mối quan hệ giữa thành viên và hợp tác xã còn lỏng lẻo.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về vị trí, vai trò hợp tác xã trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn hạn chế; vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương ở một số nơi còn có biểu hiện xem nhẹ, chưa thật sự tập trung đầu tư phát triển hợp tác xã. Việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 1996, 2003 trước đây còn mang nặng tính hình thức, nhiều nội dung chưa được đảm bảo. Khi Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012 (Luật Hợp tác xã năm 2012) có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi ở nhiều địa phương gặp nhiều lúng túng, tiến độ còn chậm. Hiện có 40/162 hợp tác xã (24,7%) đã hoàn thành việc chuyển đổi. Tỷ lệ này vẫn ở mức thấp so với yêu cầu về thời gian theo Ðiều 62 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định.

Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, tạo khung pháp lý phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phát triển. Để hợp tác xã được kiện toàn và phát triển mạnh, hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; đồng thời, làm lành mạnh hóa khu vực hợp tác xã, loại bỏ triệt để những tồn tại, yếu kém kéo dài, tránh việc áp dụng chính sách hỗ trợ hợp tác xã không đúng đối tượng, thực thi pháp luật đảm bảo tính công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hợp tác xã; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh,; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Hợp tác xã, Thông tư số 03/2014/TT-BKHÐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã; các văn bản pháp luật liên quan đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn;

- Tổ chức quán triệt, triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương; các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh đến cán bộ các phòng chức năng có liên quan cấp huyện; Bí thư, Chủ tịch xã, phường, thị trấn; cán bộ chủ chốt hợp tác xã. Đến cuối năm 2015, tất cả các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phải chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Địa phương nào không chuyển đổi hoặc kéo dài thực hiện chuyển đổi thì tạm dừng việc xem xét đề nghị khen thưởng thi đua năm 2015;

- Chỉ đạo tổ chức làm điểm Đại hội chuyển đổi từ 1 - 3 hợp tác xã để tổ chức họp giao ban rút kinh nghiệm, thống nhất tổ chức chuyển đổi đồng loạt dứt điểm các hợp tác xã còn lại trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

3. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tư vấn, hướng dẫn việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; hướng dẫn các hợp tác xã căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với những quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 để xác định nội dung và phương pháp thực hiện chuyển đổi; tuyên truyền, vận động phát triển mới hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 và chủ động tổng hợp nhu cầu kinh phí, xây dựng kế hoạch năm sau gửi các cơ quan chức năng đề xuất bố trí dự toán kinh phí thực hiện; quy định các hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh;

- Định kỳ báo cáo tình hình, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để UBND tỉnh kịp thời theo dõi, chỉ đạo.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải chuyển đổi hoặc chuyển sang loại hình khác; đồng thời, hướng dẫn các phòng chức năng các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã đăng ký lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã;

- Tham mưu xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động sau khi đăng ký chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm; trình UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí kịp thời cho địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

7. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tăng cường công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản liên quan, kết quả thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012... để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Khánh Toàn

 

 





Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã Ban hành: 21/11/2013 | Cập nhật: 14/12/2013