Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp và san lấp mặt bằng thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Trương Thanh Tùng
Ngày ban hành: 10/07/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 06/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 10 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC ĐẤT LÀM VẬT LIỆU SAN LẤP VÀ SAN LẤP MẶT BẰNG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Trong những năm qua các Sở, Ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng trái phép diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là dọc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên; tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn còn buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai, để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tự ý đào đất, san lấp mặt bằng, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, đô thị, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, dẫn đến nguy cơ sạt lở, nhất là trong mùa mưa, gây nguy cơ mất an toàn một số công trình hạ tầng kỹ thuật, gây thất thu ngân sách nhà nước; công tác kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử lý, ngăn chặn vi phạm chưa triệt để và thiếu kiên quyết.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đưa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, nhất là việc khai thác đất làm vật liệu san lấp và san lấp mặt bằng xây dựng công trình, xây dựng khu dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng thi công xây dựng công trình, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) chưa khai thác; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện trong công tác bảo vệ, ngăn chặn hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng trái phép.

- Phổ biến, hướng dẫn các chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản cho cán bộ chuyên trách thuộc UBND cấp huyện và doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản.

- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ khối lượng khai thác và hướng dẫn việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu ban hành quy định về quản lý, khai thác và sử dụng đất làm vật liệu san lấp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo các quy định của pháp luật; quy định mức độ khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” đối với từng loại hành vi vi phạm. Hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác đất làm vật liệu san lấp và san lấp mặt bằng thi công xây dựng công trình đảm bảo theo quy định của pháp luật và các quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

2. UBND cấp huyện

- Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, khoáng sản; giải quyết những thắc mắc, đơn thư theo thẩm quyền. Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có văn bản hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý việc lập thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp, đăng ký san lấp mặt bằng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về bảo vệ khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) chưa khai thác và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền; hàng năm chủ động sử dụng trong dự toán kinh phí được tỉnh giao để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện hoạt động san lấp mặt bằng trái phép phải tổ chức ngay lực lượng giải tỏa, ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các tổ chức, cá nhân ngay tại hiện trường, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp cần thiết và theo đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tuyệt đối an toàn, phục hồi cảnh quan, môi trường khu vực theo thẩm quyền hoặc báo cáo, chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để quyết định xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng trái phép và sử dụng đất sai mục đích; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương.

Đối với các trường hợp phức tạp, đã tổ chức lực lượng và các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải quyết thì phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xử lý; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng trái phép mà không kịp thời có biện pháp giải quyết, xử lý, ngăn chặn.

- Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp hoặc bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng trái phép phải xử lý, kỷ luật nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

3. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, quy hoạch các mỏ vật liệu bãi thải; hướng dẫn quy trình thực hiện việc san lấp mặt bằng tại các khu vực đô thị.

- Theo dõi và dự báo nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng xây dựng công trình để đề xuất UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu san lấp trên địa bàn của tỉnh; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình có liên quan đến hoạt động san lấp mặt bằng theo đúng quy định.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành giá tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng theo đúng quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để đảm bảo các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả theo khả năng cân đối ngân sách và nhiệm vụ cần triển khai đã được UBND tỉnh phê duyệt.

5. Cục Thuế tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất...).

- Đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng) được cấp phép hoặc đăng ký khai thác thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

6. Cục Quản lý thị trường Đắk Nông thường xuyên tiến hành kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và Công an cấp huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp.

8. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ngăn chặn, tố giác, phòng chống tiêu cực trong hoạt động san lấp mặt bằng xây dựng công trình. Kịp thời đưa tin, phản ánh những vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp và san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn tỉnh.

9. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc phát hiện, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và phản ánh đến các cấp có thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm việc khai thác đất làm vật liệu san lấp và san lấp mặt bằng trái phép.

10. Đề nghị Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy Gia Nghĩa chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng ngăn chặn và các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải quyết phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xử lý. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng trái phép mà không kịp thời có biện pháp giải quyết, ngăn chặn, xử lý.

11. Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp, xác nhận đăng ký san lấp mặt bằng: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản; phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; thực hiện việc báo cáo đúng khối lượng khai thác theo quy định; công suất khai thác và số lượng phương tiện khai thác theo dự án được phê duyệt (có văn bản đăng ký với cơ quan quản lý Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn); tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan trong việc san lấp mặt bằng trong phạm vi khu vực được cấp phép, đăng ký; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan triển khai Thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời chỉ đạo, xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam t
nh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- TT. các Huyện ủy, Thành ủy Gia Nghĩa;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, CTTĐT, KTN(LVT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thanh Tùng