Chỉ thị 06/CT-UB năm 1992 về triển khai thực hiện quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 388/HĐBT
Số hiệu: 06/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Trần Văn Nghĩa
Ngày ban hành: 23/05/1992 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UB

Bến Tre, ngày 23 tháng 5 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ VỀ THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 388/HĐBT

Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 ban hành quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước, sau đó có sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 156/HĐBT ngày 07/5/1992 và một số văn bản hướng dẫn thi hành như:

- Chỉ thị số 393/CT ngày 25/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 - Thông tư số 34/CT ngày 28/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 - Các Bộ, các ngành TW cũng đã có chỉ thị, thông tư hoặc công văn hướng dẫn các ngành trực thuộc.

Để triển khai thực hiện tốt Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh cần tiến hành những việc sau đây:

1. Tổ chức nghiên cứu quán triệt sâu sắc quy chế về thành lập và giải thể các doanh nghiệp Nhà nước, nắm vững mục đích yêu cầu của đợt sắp xếp, tổ chức lại lực lượng kinh tế quốc doanh nhằm đảm bảo cho kinh tế quốc doanh có cơ cấu hợp lý trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần: nắm vững được các vị trí then chốt và thực sự phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế quốc doanh.

2. Nội dung cần thực hiện trong đợt sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước là tiến hành rà soát đánh giá và phân loại tất cả các doanh nghiệp Nhà nước và sau đó xử lý theo hướng:

- Những doanh nghiệp thua lỗ kéo dài không còn khả năng tiếp tục hoạt động thì tiến hành xử lý bằng nhiều hình thức thích hợp như chuyển sở hữu, giải thể…theo Quyết định số 315/HĐBT, Quyết định số 330/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

Việc này phải làm ngay, cấp nào ra quyết định thành lập thì cấp đó ra quyết định xử lý và giải quyết các khâu tồn đọng theo quyết định hiện hành.

Những doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện tồn tại và phát triển hoặc tuy có khả năng nhưng thấy vẫn cần thiết duy trì và có biện pháp củng cố để phát triển có hiệu quả thì tiến hành cho làm thủ tục thành lập và đăng ký doanh nghiệp.

3. Tổ chức làm thủ tục, hồ sơ xin thành lập lại và đăng ký kinh doanh.

a) Sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trực thuộc làm đầy đủ các hồ sơ xin thành lập lại và đăng ký kinh doanh.

b) Toàn bộ các hồ sơ xin thành lập lại doanh nghiệp được gửi về và tập trung tại các sở quản lý chuyên ngành (mỗi doanh nghiệp gửi về 10 bộ hồ sơ và nộp lệ phí đăng ký theo quy định).

- Sở Tài chính tập hợp hồ sơ của Công ty Xổ số kiến thiết, Cty Bảo hiểm…

- Ngân hàng Nhà nước tập hợp hồ sơ của các quỹ tiết kiệm.

- Sở Xây dựng tập hợp hồ sơ các đơn vị xây lắp, thiết kế, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, cấp và thoát nước, quản lý và xây dựng nhà ở và công trình đô thị.

- Sở Giao thông vận tải tập hợp hồ sơ các đơn vị vận tải hàng hóa và hành khách, sửa chữa các phương tiện giao thông thủy bộ, xây dựng và sửa chữa cầu đường…

- Sở Thủy lợi tập hợp hồ sơ các đơn vị xây lắp và thiết kế công trình thủy lợi, phục vụ thủy nông…

- Sở Nông - Lâm nghiệp tập trung hồ sơ các đơn vị sản xuất và kinh doanh lương thực, trồng và nuôi rừng, khai thác và chế biến lâm sản, kinh doanh về phân bón và thuốc trừ sâu, thuốc thú y, chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất và kinh doanh về giống thực vật và động vật.

- Sở Văn hóa thông tin và TDTT tập trung hồ sơ các đơn vị phục vụ về điện ảnh như: chiếu phim nhựa, chiếu Video, sang và kinh doanh các băng hình, băng nhạc, kinh doanh sách báo, sản xuất giấy và in ấn, kinh doanh dụng cụ TDTT…

- Sở Thủy sản tập trung hồ sơ các đơn vị khai thác và chế biến thủy hải sản, kinh doanh con giống và nuôi thủy sản…

- Sở Y tế tập trung hồ sơ các đơn vị sản xuất và kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y tế…

- Sở Giáo dục tập trung hồ sơ các đơn vị kinh doanh sách và thiết bị trường học.

- Sở Thương mại và Du lịch tập hợp hồ sơ của các đơn vị nội và ngoại thương, du lịch, khách sạn, ăn uống…

- Sở Công nghiệp tập hợp hồ sơ các đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng dừa, bánh kẹo, đường, cồn, nước đá (tiêu dùng), hóa chất, cơ khí, thuốc lá, rượu, nước giải khát…

4. Các cơ sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xem xét, bổ sung hoàn chỉnh các hồ sơ thành lập lại doanh nghiệp và đề xuất UBND tỉnh thông qua, phê duyệt trước khi gửi về Bộ quản lý chuyên ngành thẩm định (theo phụ lục 01 kèm theo Thông tư số 01/TT-LB của Liên bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính).

5. Quy định thời gian thực hiện và hoàn thành từng bước công việc:

Bước 1: đầu tháng 6/1992, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các văn bản của HĐBT và Bộ quản lý.

Bước 2: chậm nhất vào ngày 20/6/1992 các doanh nghiệp hoàn thành toàn bộ hồ sơ và gửi về các Sở quản lý chuyên ngành theo như quy định ở trên.

Bước 3: từ ngày 20/6 đến 25/6/1992 các sở quản lý chuyên ngành tập hợp toàn bộ các hồ sơ, xem xét và bổ sung hoàn chỉnh.

Bước 4: ngày 25/6/1992 các sở quản lý chuyên ngành trình toàn bộ các hồ sơ để UBND tỉnh thông qua và phê duyệt. Chuyển toàn bộ các hồ sơ về HĐBT và các Bộ quản lý chuyên ngành trước ngày 30/6/1992 để thẩm định.

6. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm phối hợp chặt với các ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và kết thúc hoàn thành công tác giao nhận vốn trong toàn tỉnh trước ngày 20/6/1992 để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp hoàn tất bộ hồ sơ xin thành lập lại.

Trên đây là toàn bộ các công việc để triển khai thi hành Nghị định số 388 của HĐBT, UBND tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh phải tập trung chỉ đạo để thực hiện thật nhanh, đầy đủ, chính xác và kịp thời gian đã quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có gặp vướng mắc khó khăn cần cấp báo ngay về UBND tỉnh để có sự chỉ đạo hỗ trợ giải quyết./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT.CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Nghĩa