Chỉ thị 06/2011/CT-UBND về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn
Số hiệu: 06/2011/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Hoàng Thương Lượng
Ngày ban hành: 26/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2011/CT-UBND

Yên Bái, ngày 26 tháng 4 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt được nhiều kết quả tích cực: Đã xây dựng và ban hành hầu hết các văn bản qui phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh; cơ bản hoàn thành qui hoạch sử dụng đất ba cấp tỉnh, huyện, xã giai đoạn 1998-2010; công tác giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng trình tự, thủ tục; cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân tại các phường, thị trấn và các xã vùng thấp; làm tốt công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ, công tác xây dựng giá đất, công tác thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, qua tổng kết công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 về công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai như lập quy hoạch sử dụng đất còn chậm, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác lập và quản lý quy hoạch còn hạn chế; một số nơi vẫn còn để xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất không đúng đối tượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt ở khu vực hai bên đường mới mở hoặc những tuyến đường dự kiến mở mới. Những tồn tại, hạn chế trên đây làm cho tình hình quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, nhất là cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi. Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt và sự bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở.

Để chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trong thời gian tới; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự trị an trong địa bàn tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tăng cường công tác xây dựng và ban hành văn bản về quản lý đất đai

a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện khẩn trương rà soát các văn bản đã ban hành; xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các qui định Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhưng không còn phù hợp, đảm bảo chủ trương cải cách thủ tục hành chính và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Thời gian hoàn thành việc rà soát là trong Quý II năm 2011.

b) Trong công tác xây dựng bảng giá đất hằng năm, phải bảo đảm giá đất được ban hành sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm ban hành. Nhằm vừa bình ổn thị trường, thu hút đầu tư vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là giá đất trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai.

a) Đề nghị các cơ quan báo, đài của địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương.

b) Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Tuyên truyền sâu rộng đối với những trường hợp không được chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng (đặc biệt là đất trồng lúa nước) hoặc đối với các trường hợp được phép chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

c) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 5 năm (2011 - 2015) và năm 2011; chỉ đạo xuất bản và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về đất đai theo quy định, bao gồm các ấn phẩm tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, để phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

3. Tăng cường công tác lập, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các khu vực dự án phải thu hồi đất theo quy hoạch.

Ủy ban nhân dân cấp huyện quán triệt và tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư, các quy định của pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Chị thị số 01/CT-BTNMT ngày 17/3/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trong đó công tác lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải chú ý tính hợp lý về sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang làm mặt bằng sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những nơi có điều kiện sử dụng các loại đất khác; đối với những nơi cần thiết phải chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, tránh tình trạng thu hồi đất lúa nước nhưng không sử dụng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/11/2008 về rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 – 2010, trong đó có công tác rà soát, kiểm tra thực trạng công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp 5 năm 2006 - 2010 nói chung và đất trồng lúa nước nói riêng; tập trung chỉ đạo để hoàn thành và nâng cao chất lượng của việc lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quy hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 theo đúng nội dung quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ qui định bổ sung về qui hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tập trung quy hoạch sử dụng đất hai bên đường giao thông dự kiến mở mới để chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển khu dân cư nông thôn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt, nhằm khai thác quỹ đất hai bên đường giao thông, tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.

4. Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận đất sản xuất nông nghiệp, đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất; thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa có khả năng nộp tiền; sử dụng các tài liệu bản đồ hiện có hoặc trích đo địa chính để cấp giấy chứng nhận; kiên quyết khắc phục tình trạng để tồn đọng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của người dân vì lý do đợi quy hoạch.

b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, điều chỉnh tiến độ đến năm 2020, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước mắt xây dựng tiến độ đến năm 2012 hoàn thành huyện Trạm Tấu, tập trung từ khâu đo đạc lập bản đồ, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập cơ sở dữ liệu quản lý đất đai để có mô hình mẫu rút kinh nghiệm trước khi triển khai thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện còn lại. Việc đầu tư, đo đạc lập bản đồ địa chính phải gắn với việc lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, đo đạc đến đâu phải tổ chức cấp Giấy chứng nhận ngay đến đó, không triển khai dự án đo đạc mới ở các xã nếu chưa hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận cho diện tích đã đo đạc. Thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; xem xét trách nhiệm của Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh trong việc chậm trễ triển khai hoặc không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ địa chính trong năm mà không có lý do chính đáng, trách nhiệm của Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính.

c) Trên cơ sở kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần có biện pháp tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, đặc biệt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; cập nhật các biến động về loại đất, chủ sử dụng đất, đồng thời có biện pháp xử lý đối với những trường hợp chuyển mục đích trái với quy định của pháp luật.

5. Nghiêm chỉnh thực hiện qui định về chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước.

a) Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.

b) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

c) Không được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các khu vực đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d) Kiên quyết phát hiện và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng chính sách pháp luật trong thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để trục lợi bất chính.

6. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực bị thu hồi đất thực hiện đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước; đối với các dự án phải thu hồi đất, cần quy hoạch cụ thể, bố trí khu tái định cư tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành.

7. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tại cấp xã; tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, kéo dài; khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết đơn thư; định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đảm bảo pháp luật đất đai được thực hiện nghiêm, hạn chế tiêu cực và vi phạm.

Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đất đai tại địa phương; phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; triển khai và thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tập trung chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Kiên quyết thu hồi những diện tích đã giao, đã cho thuê nhưng chủ đầu tư không triển khai, triển khai không đúng tiến độ, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện dự án.

8. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai theo Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ (Đề án 30); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; xử lý các công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi thực thi các thủ tục hành chính.

9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến Ủy ban nhân cấp xã, các phòng ban của huyện; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan ở cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc theo yêu cầu của Chỉ thị này; định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) về tình hình thực tế triển khai tại địa phương (trong báo cáo cần đặc biệt lưu ý tổng hợp, phân tích kỹ về tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất; về thực trạng, số lượng, diện tích và kiến nghị biện pháp xử lý đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất).

10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này của các cấp, các ngành.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Có trách nhiệm thẩm định các dự án đầu tư lập qui hoạch sử dụng đất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo qui định; chủ trì rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không triển khai thực hiện hoặc các dự án đầu tư chậm tiến độ, kiến nghị biện pháp xử lý thích hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính cân đối vốn đầu tư cho công tác quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện, xã giai đoạn 2011-2020 hoàn thành trong 2 năm 2011-2012.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có trách nhiệm rà soát, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, hoàn thành chậm nhất trong tháng 7 năm 2011; chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm nhân dân, Chi cục Lâm nghiệp tập trung xử lý các vướng mắc về tài sản rừng trên đất để giao rừng, cho thuê rừng, khoán rừng tới hộ gia đình, cá nhân; chỉ đạo quy hoạch đất trồng cây cao su, đất chuyên trồng lúa nước.

d) Sở Tài chính: Có trách nhiệm cân đối bố trí kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai của địa phương, ưu tiên cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khảo sát giá đất cụ thể của thửa đất khi giao đất, cho thuê đất; tăng cường công tác kiểm tra việc thu tiền sử dụng đất; hướng dẫn xử lý các vướng mắc về vốn đầu tư đối với tài sản trên đất phục vụ triển khai giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận.

e) Sở Nội vụ: Chủ trì lập dự án giải quyết các tồn tại, vướng mắc về địa giới cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; bổ sung các điểm mốc giới bị mất, bị hỏng; tập trung tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt diểm các tranh chấp địa giới; tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất ở cấp tỉnh, cấp huyện, Quỹ phát triển đất của tỉnh, hoàn thành trong Quí II năm 2011; nghiên cứu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đề án thành lập Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

g) Sở Xây dựng: Chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch trung tâm xã, qui hoạch các khu, cụm công nghiệp, qui hoạch dân cư nông thôn, hạn chế chuyển đất trồng lúa nước 2 vụ, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang mục đích phi nông nghiệp.

h) Thanh tra tỉnh: Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban , ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tập trung giải quyết kịp thời và dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai; chủ động hướng dẫn các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết kịp thời các tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai; là cơ quan chủ trì và là đầu mối tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch sử dụng đất và việc quản lý, sử dụng đất của các cơ quan được Nhà nước trao quyền quản lý, sử dụng đất; đồng thời thanh tra việc sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

11. Hiệu lực thi hành

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; theo chức năng, nhiệm vụ được giao định kỳ gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục Quản lý đất đai;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- HĐND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các Sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh;
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website tỉnh Yên Bái;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TNMT, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thương Lượng