Chỉ thị 06/2002/CT-UB về xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính
Số hiệu: | 06/2002/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bến Tre | Người ký: | Huỳnh Văn Be |
Ngày ban hành: | 23/04/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2002/CT-UB |
Bến Tre, ngày 23 tháng 4 năm 2002 |
CHỈ THỊ
V/V XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Để không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỷ cương pháp luật trong quá trình đổi mới của đất nước; ngày 06 tháng 7 năm 1995 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thay cho Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính – 1989 nhằm có những biện pháp hữu hiệu hơn, kịp thời đấu tranh phòng, chống các vi phạm hành chính trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, v.v...
Thời gian qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được các ngành, các cấp có thẩm quyền quan tâm, tổ chức xử lý vi phạm, góp phần quan trọng cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật giữ vững trật tự an toàn xã hội; bảo vệ, phát huy quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân.
Song, công tác xử lý hành chính của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng phát hiện và bỏ qua không xử phạt vi phạm hành chính còn khá phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực an ninh, trật tự; trật tự an toàn giao thông... Có những đối tượng vi phạm nhiều lần vẫn không bị truy cứu trách nhiệm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức chấp hành pháp luật của mỗi thành viên trong xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên đồng thời để tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải có biện pháp để kịp thời phát hiện làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành chính (đúng theo quy định, không được bỏ qua bất cứ hành vi vi phạm hành chính) nào xảy ra đã phát hiện tại địa phương.
2. Khi xử lý vi phạm hành chính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thủ tục và thẩm quyền; phải xử lý ngay khi phát hiện vi phạm, không để đến khi vi phạm xảy ra hậu quả mới xử lý.
Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền xử phạt thì kịp thời hoàn tất hồ sơ chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý. Nơi nhận đề nghị không được bỏ qua các trường hợp này.
Cần mở sổ theo dõi riêng và lưu trữ đầy đủ các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính mà theo quy định của Bộ luật hình sự nếu tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự (có kèm theo bảng liệt kê các tội thuộc dạng này).
3. Vận động quần chúng nhân dân kịp thời tố giác, ngăn chặn những hành vi vi phạm hành chính. Khi có thông tin phải quan tâm thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, xử lý kịp thời để quần chúng có niềm tin góp phần tích cực cùng với Nhà nước ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi vi phạm hành chính.
4. Để thực hiện tốt nội dung chỉ đạo trên, yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995) tổ chức đánh giá lại thực trạng công tác xử phạt trong thời gian qua để rút ra ưu, khuyết điểm; từ đó đề ra biện pháp đẩy mạnh công tác này.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải quan tâm tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm 6 tháng 1 lần báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh để theo dõi tổng hợp chung; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm hành chính, đồng thời cũng phải nghiêm khắc xử lý những cán bộ có thẩm quyền xử phạt hành chính mà cố tình bao che, bỏ qua hoặc thiếu trách nhiệm.
5. Nhằm tạo sự phối hợp tốt trong công tác phòng, chống vi phạm hành chính, Sở Tư pháp và các đơn vị có chức năng tuyên truyền phải tiếp tục phổ biến sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực, nhất là các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông; bảo vệ môi trường...
Các cơ quan thông tin đại chúng phải thường xuyên liên hệ nắm thông tin xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phổ biến rộng rãi, nhằm tạo ý thức góp phần chống vi phạm trong nhân dân.
Yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tổ chức quán triệt và có kế hoạch thực hiện ngay Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, có gì khó khăn, vướng mắc phải báo ngay về Uỷ ban nhân dân tỉnh để được chỉ đạo giải quyết./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |