Chỉ thị 05/CT-BYT năm 2014 tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác xã hội hóa, khám chữa bệnh theo yêu cầu trong cơ sở khám, chữa bệnh công lập
Số hiệu: 05/CT-BYT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngày ban hành: 22/05/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA, KHÁM CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH CÔNG LẬP

Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sự nghiệp nói chung và y tế nói riêng, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Chính sách này được thể hiện qua các văn bản như: Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường quản lý để thực hiện chủ trương này gồm: Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 hướng dẫn việc liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập; công văn số 3295/BYT-KH-TC ngày 26/5/2010 công văn số 5106/BYT-KH-TC ngày 16/8/2013; Kế hoạch số 885/KH-BYT ngày 12/11/2013 đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá.

Kết quả thực hiện tại các đơn vị trong ngành từ trung ương đến địa phương cho thấy những mặt tích cực của chủ trương trên gồm: (1) Tạo điều kiện để phát triển kỹ thuật mới cho bệnh viện trong khi đầu tư của nhà nước có hạn (như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại, hệ thống cộng hưởng từ (MRI), máy gia tốc tuyến tính...), nhờ đó đã nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong; (2) Người dân, trong đó có cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này; (3) có điều kiện đầu tư các Khoa khám bệnh, phòng điều trị hiện đại, khang trang hơn, thu hút bệnh nhân điều trị trong nước thay bằng đi nước ngoài chữa bệnh; (4) Góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động; (5) Tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, Bộ Y tế đã tổ chức một số đoàn kiểm tra, đánh giá và yêu cầu các đơn vị tổng kết, đánh giá cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai như: (1) Một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục như: chưa xây dựng Đề án, chưa bàn bạc công khai, dân chủ, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi và quản lý; (2) Một số đơn vị chưa xây dựng cơ cấu giá dịch vụ theo quy định, chưa công khai giá để người dân biết, lựa chọn; (3) Một số đơn vị còn để xảy ra tình trạng, hiện tượng lạm dụng kỹ thuật; (4) Cách bố trí phòng khám, khu điều trị theo yêu cầu chưa hợp lý dẫn đến người dân có tâm lý người bệnh cảm thấy bị phân biệt đối xử, chưa yên tâm vì sự minh bạch giữa công - tư trong khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Để tăng cường và phát huy mặt tích cực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những mặt còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng để ban hành Thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh theo yêu cầu; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2007/TT-BYT và Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện xã hội hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu nằm trong bệnh viện công lập nhằm thực hiện nghiêm các quy định về xã hội hóa như sau:

a) Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xã hội hóa, phải xây dựng đề án trong đó đặc biệt lưu ý việc lựa chọn đối tác; thẩm định và lựa chọn trang thiết bị liên doanh, liên kết; xây dựng phương án chi phí làm cơ sở quyết định mức giá dịch vụ. Đề án khi xây dựng xong phải gửi báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế nêu trên.

b) Cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa phải công khai, minh bạch danh mục và mức giá các dịch vụ để người bệnh biết, lựa chọn, không được ép buộc, gợi ý người bệnh sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu, các dịch vụ thực hiện bằng thiết bị liên doanh, liên kết trong khi tại đơn vị có loại thiết bị đó được đầu tư từ ngân sách nhà nước và còn đủ khả năng đáp ứng; Thực hiện kê khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

c) Các đơn vị phải theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và phản ánh vào báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

d) Tổ chức hợp lý các đơn vị, bộ phận khám, chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị đang có quá tải lớn cần phải dành nhà cửa, buồng bệnh, trang thiết bị để phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh có thẻ BHYT; tránh phân biệt đối xử về thái độ, tinh thần phục vụ giữa người bệnh, khám chữa bệnh BHYT và người bệnh khám, chữa bệnh dịch vụ.

đ) Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xã hội hóa trong y tế để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nếu có sai phạm. Đặc biệt, phải rà soát các trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết, nếu phát hiện các trang thiết bị không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ thì phải dừng ngay hợp đồng với phía đối tác, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, cấp kinh phí cho đơn vị mua để có thiết bị thực hiện dịch vụ.

2. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xã hội hóa sau khi thực hiện kế hoạch kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu và liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế theo công văn số 885/KH-BYT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Các đơn vị, địa phương chưa gửi báo cáo về Bộ Y tế, khẩn trương gửi báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch-Tài chính) trước ngày 30/5/2014 để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các bộ, ngành có trách nhiệm khẩn trương tổ chức triển khai và thực hiện tốt các nội dung trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Vũ Đức Đam, PTTg (để b/c);
- VPCP, VPQH, VPTW Đảng (để b/c);
- Lãnh đạo Bộ (để phối hợp chỉ đạo);
- Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố (để phối hợp chỉ đạo);
- Cổng TTĐTCP, Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KH-TC, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 





Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá Ban hành: 14/11/2013 | Cập nhật: 20/11/2013