Chỉ thị 05/2006/CT-UBND chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: | 05/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tuyên Quang | Người ký: | Lê Thị Quang |
Ngày ban hành: | 25/05/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2006/CT-UBND |
Tuyên Quang, ngày 25 tháng 5 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Trong những năm qua nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đã phân cấp mạnh và có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng đã tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn, công tác chỉ đạo, điều hành lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch từ tỉnh đến các huyện, thị xã đã chặt chẽ và cụ thể; công tác thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng được tăng cường, phát hiện được những yếu kém, tiêu cực trong công tác quản lý và thực hiện các dự án công trình; góp phần hạn chế và khắc phục những vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều tồn tại, thiếu sót đó là quy hoạch, kế hoạch xây dựng chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng; tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát còn xảy ra ở một số khâu của quá trình đầu tư xây dựng, từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu, thanh quyết toán đưa công trình vào khai thác, sử dụng; hiệu quả đầu tư của một số dự án chưa cao.
Nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót nêu trên là do: Năng lực của các cơ quan chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND các cấp quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn yếu kém. Có những dự án còn chưa xác định rõ nguồn vốn, chưa bám sát quy hoạch được phê duyệt và chưa xác định chắc chắn hiệu quả đầu tư đã quyết định đầu tư. Năng lực quản lý của phần lớn các chủ đầu tư còn hạn chế, chưa thực hiện hết quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về xây dựng; nhiều chủ đầu tư lựa chọn giám đốc điều hành dự án không đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật; tình trạng chỉ định thầu thi công xây dựng công trình còn diễn ra, một số nhà thầu thi công hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật, chậm phát hiện những sai phạm trong quản lý và hoạt động đầu tư xây dựng.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng; UBND tỉnh chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/2004/CT-TTg ngày 08/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Xây dựng và Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội tề công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.
2. Đẩy mạnh công tác lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; gắn quy hoạch với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công khai trong công tác quy hoạch xây dựng; tăng cường và nâng cao chất lượng quy hoạch. Bố trí đủ vốn cho công tác quy hoạch để điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Tuyên Quang lên đô thị loại III; lập quy hoạch chung thị trấn huyện lỵ huyện Yên Sơn và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh vào năm 2006-2007; lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch điểm dân cư nông thôn đạt trên 70% khối lượng trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2010.
3. Tập trung rà soát các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh về sự phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý những dự án không phù hợp với quy hoạch; không ghi kế hoạch đầu tư; các dự án chưa đảm bảo cân đối đủ vốn đầu tư hoặc những dự án chưa đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
4. Bố trí vốn đầu tư phải tập trung, có trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn của năm kế hoạch và những năm tiếp theo. Trước khi bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới phải dành một phần vốn để thanh toán nợ đọng trong xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước của những năm trước đối với các dự án phù hợp với quy hoạch và đủ thủ tục theo quy định. Vốn phân bổ phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.
5. Các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải tăng cường trách nhiệm và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng:
a) Người quyết định đầu tư: Chỉ quyết định đầu tư các dự án khi đã xác định rõ nguồn vốn, đúng quy hoạch, đảm bảo có hiệu quả và không trái với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình khi quyết định những dự án đầu tư sai, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân.
Thủ trưởng cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc hoặc cá nhân tham mưu giúp việc người quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm trước người quyết định đầu tư và trước pháp luật về nội dung tham mưu của mình.
b) Chủ đầu tư xây dựng: Phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, dự án. Lựa chọn giám đốc điều hành dự án có đủ điều kiện về năng lực, phù hợp với từng loại và cấp công trình theo quy định; lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng công trình đủ điều kiện năng lực và bảo đảm đúng các quy định của pháp luật; chỉ khởi công xây dựng công trình khi có đầy đủ các thủ tục. Công trình hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng phải lập hồ sơ thanh quyết toán theo đúng quy định. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo về chất lượng công trình, xây dựng theo định kỳ và khi hoàn thành công trình gửi về Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tiến hành giám sát, đánh giá đầu tư, xác định rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý của các bên có liên quan trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Kiện toàn, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án, bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật về xây dựng; thành lập các Ban quản lý chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình tư vấn quản lý dự án. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý dự án thì phải thuê tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
c) Tổ chức tư vấn xây dựng: Rà soát các tổ chức tư vấn thiết kế và giám sát thi công xây dựng công trình về năng lực chuyên môn và tư cách chủ thể. Tổ chức tư vấn phải hoạt động độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thiết kế, giám sát và chất lượng công tác tư vấn.
Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình không được ký hợp đồng tư vấn giám sát với chủ đầu tư đối với công trình do mình thiết kế; nhà thầu giám sát thi công xây dựng không ký được hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng công trình đối với công trình do mình giám sát.
d) Nhà thầu thi công xây dựng công trình: Phải thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục và các quy định về đấu thầu; chống tình trạng tiêu cực để trúng thầu, mua bán thầu. Trường hợp phát hiện có hiện tượng thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư với tổ chức tư vấn hoặc nhà thầu xây dựng thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
6. Tăng cường công tác quản lý xây dựng và vật liệu xây dựng. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình; kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng các công trình, thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì, duy tu bảo dưỡng, khai thác sử dụng công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng. Triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ.
7. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, thanh tra, kiểm tra của Thanh tra các cấp, các ngành kết hợp với Thanh tra chuyên ngành. Tăng cường sự phối hợp, tham gia giám sát của các cơ quan ngôn luận và cộng đồng đối với hoạt động xây dựng. Thực hiện nghiêm chỉnh các chế tài về thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng công trình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, sở hữu, sử dụng nhà ở và công trình xây dựng.
8. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy hoạch theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu xây dựng.
- Hàng năm lập kế hoạch đầu tư xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
- Kiểm tra, theo dõi tình hình và kết quả thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài chính:
- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát tình hình thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện quyết toán dứt điểm vốn đầu tư đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
- Tổ chức thẩm định chặt chẽ, kịp thời trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật.
c) Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng.
- Tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành kịp thời bộ đơn giá xây dựng cơ bản thay thế bộ đơn giá xây dựng không còn phù hợp để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Xây dựng.
- Rà soát, đánh giá tình hình lập quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch và đề xuất biện pháp khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng vật liệu xây dựng, kiểm tra chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng;
- Lập điều chỉnh quy hoạch vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2010.
- Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, theo Nghị định 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ.
- Cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn xây dựng đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng; kiểm tra năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng và kiểm định chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
d) Kho bạc nhà nước tỉnh kiểm soát việc thực hiện đúng chế độ, chính sách của Nhà nước về ứng vốn, thanh toán vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Chính phủ và của Bộ Tài chính.
đ) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo rà soát kiểm tra hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn, chủ động giải quyết và khắc phục sai sót đối với những dự án đầu tư xây dựng công trình do mình quyết định đầu tư; trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không giải quyết được phải báo cáo UBND tỉnh để xem xét nếu để chậm trễ hoặc báo cáo không trung thực, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh.
e) Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có trách nhiệm thi hành nghiêm túc Chỉ thị này. Mọi hành vi trái với Chỉ thị này và vi phạm quy định về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị định 95/2005/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng Ban hành: 15/07/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Chỉ thị 21/2005/CT-TTg thực hiện Nghị quyết về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng Ban hành: 15/06/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Chỉ thị 08/2004/CT-TTg thi hành Luật Xây dựng Ban hành: 08/03/2004 | Cập nhật: 09/12/2009