Chỉ thị 04/CT-BGTVT năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 04/CT-BGTVT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Lê Đình Thọ
Ngày ban hành: 20/06/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BGIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2018

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ VÀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ; ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ NGHIÊM CÁC VI PHẠM THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT; KIÊN QUYẾT KHÔNG ĐỂ TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG "XE DÙ, BẾN CÓC"

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt (Chỉ thị số 12/CT-TTg), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp trong lĩnh vực vận tải đường bộ, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó đã tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với “xe dù, bến cóc”. Theo báo cáo tình hình thực hiện của các địa phương, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ đã được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Song bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh như: tình trạng các phương tiện vận tải hành khách đón trả khách tùy tiện; các xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách “trá hình” như xe vận tải khách tuyến cố định, vi phạm các quy định về quản lý vận tải còn diễn biến rất phức tạp (hiện tượng “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng trở lại) dẫn đến tình trạng mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong xã hội.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg , đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm như phản ánh của báo chí trong thời gian qua, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc" gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tuân thủ pháp luật; thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg và các Văn bản số 3752/VPCP-CN ngày 24/4/2018, Văn bản số 4988/VPCP-CN ngày 25/5/2018, trong đó tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Vụ Vận tải

a) Chủ trì phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, trong đó đặc biệt chú ý: (1) nghiên cứu bổ sung các biện pháp quản lý đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng để tạo cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng hoạt động vận tải khách “trá hình” như xe vận tải khách theo tuyến cố định; (2) nghiên cứu, thể hiện nội dung về lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đường bộ; (3) khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) để trình Bộ trưởng ký trình Chính phủ;

b) Làm đầu mối tiếp nhận các báo cáo của cơ quan, đơn vị về tình hình thực hiện Chỉ thị này; tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Vụ An toàn giao thông chủ trì, phối hợp Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tài chính, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu đề xuất việc ưu tiên sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

3. Thanh tra Bộ

a) Chủ trì phối hợp với Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt hàng năm; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các Sở GTVT và đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là quy định về bảo đảm an toàn giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;

b) Chủ trì, phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;

c) Chủ trì, phối hợp Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ;

d) Hướng dẫn Thanh tra các Sở GTVT xây dựng và thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”. Thời gian thực hiện trong Quý III, Quý IV năm 2018;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về “xe dù, bến cóc”.

4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

a) Nghiên cứu xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin hợp đồng vận tải để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc. Qua đó kịp thời phát hiện và thông báo về Sở GTVT để xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải;

b) Chủ trì hoặc phối hợp để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất chuyên đề về hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và hoạt động tại các điểm đón trả khách trái phép (“bến cóc”) tại các địa phương; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm (nếu có);

c) Phối hợp với các Sở GTVT rà soát, nắm bắt tình hình thực tế về hoạt động vận tải khách của các đơn vị, phương tiện vận tải khách hợp đồng trá hình, các tụ điểm đón trả khách trái phép trên địa bàn của từng địa phương;

d) Theo dõi, đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra chủ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp Thanh tra Bộ tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;

e) Chủ trì, phối hợp Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế nghiên cứu, bổ sung quy định bắt buộc về điều kiện hành nghề lái xe kinh doanh vận tải trong quá trình rà soát, sửa đổi Luật giao thông đường bộ.

5. Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

6. Các Sở Giao thông vận tải

a) Tổ chức sơ kết Chỉ thị số 12/CT-TTg để đánh giá về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm như phản ánh của báo chí trong thời gian qua, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc" gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn;

b) Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải phù hợp với thực tế và các quy định hiện hành; tăng cường mạng lưới tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt giữa các bến xe và trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho xe trung chuyển kết nối tuyến cố định với hành khách; khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải tham gia hoạt động vận tải khách trên tuyến cố định;

c) Tăng cường công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị vận tải, bến xe khách, trong đó chú trọng các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể đối với từng vị trí, khu vực có nhiều “xe dù, bến cóc” hoạt động; thực hiện kiểm tra cho đến khi xử lý xong từng vị trí; phối hợp với lực lượng Thanh tra các địa phương có liên quan đến kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện hoạt động trá hình tuyến cố định;

d) Chủ động phối hợp với lực lượng Công an tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề về hoạt động của xe vận tải khách theo hợp đồng và các tụ điểm thường xuyên có hoạt động đón trả khách trái phép và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm;

đ) Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm túc quy định về truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo việc truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời; đồng thời tăng cường công tác theo dõi, giám sát thông qua hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm;

e) Chỉ đạo các bến xe khách trên địa bàn đổi mới phương pháp quản lý, rà soát để giảm các khoản chi phí liên quan đến đơn vị kinh doanh vận tải, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút người dân đến bến đi xe;

g) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thí điểm lắp Camera tại các khu vực tuyến phố, địa điểm thường xuyên có “xe dù, bến cóc” hoạt động để tăng cường công tác quản lý, giám sát trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định;

h) Phối hợp cơ quan truyền thông trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị này đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe khách trên địa bàn địa phương;

i) Đối với các Sở GTVT nơi có Cảng hàng không sân bay: Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Cảng vụ hàng không và lực lượng chức năng liên quan tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải tại khu vực Cảng hàng không sân bay, kịp thời xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có) theo quy định.

7. Chế độ báo cáo

Trước ngày 25 tháng cuối hàng quý các Vụ, Thanh tra Bộ, các Cục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ GTVT; Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Chủ tịch UBATGTQG (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
-
y ban ATGTQG;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Thứ trư
ng Bộ GTVT;
- Công đoàn ngành GTVT Việt Nam;
- Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở GTVT các t
nh, thành phố;
- Trung tâm Công nghệ Thông tin;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu VT, V.Tải (Phong 5b);

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ