Chỉ thị 04/2014/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Số hiệu: 04/2014/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Lê Thanh Dũng
Ngày ban hành: 28/02/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/CT-UBND

Bà Rịa, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG VÀ THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, các dịch vụ ăn uống phát triển nhanh chóng về số lượng, đặc biệt là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố mang tính tự phát, không ổn định, không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện vệ sinh môi trường cần thiết cho chế biến thực phẩm an toàn, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, nhằm cải thiện tình hình an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt là loại hình kinh doanh hàng rong trên đường phố hay bày bán tại những điểm công cộng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ thị:

1. Sở Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể về kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố và triển khai dán phiếu phân loại điều kiện an toàn thực phẩm theo kết quả kiểm tra định kỳ, theo đúng quy định;

c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bảo đảm 100% các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tiếp cận và hiểu đúng về các quy định an toàn thực phẩm;

d) Định kỳ có kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố theo địa bàn quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương:

a) Định hướng quy hoạch hệ thống các cơ sở bán lẻ nhằm bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh thực phẩm;

b) Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc về thực phẩm, các mặt hàng thuộc phạm vi phân công quản lý theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu:

Phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan tổ chức, vận động, tuyên truyền an toàn thực phẩm cho cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt chú trọng đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố và cộng đồng, góp phần ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

4. Công an tỉnh:

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và mất an toàn thực phẩm.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo các Phòng Giáo dục, Ban giám hiệu các trường đảm bảo quy định điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, đồng thời tích cực phối hợp với công an địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát lập lại trật tự trước cổng trường, kiên quyết không để tình trạng mua bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh an toàn thực thực phẩm trước cổng trường và xung quanh trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tổ chức thành viên: tích cực tuyên truyền hướng dẫn tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, đặc biệt là thức ăn đường phố; tuyên truyền người dân hiểu biết và thực hiện nghiêm quy định của Luật An toàn thực phẩm và những văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Vận động người dân tích cực tham gia phong trào sử dụng thực phẩm an toàn, biết nói không với những sản phẩm nghi ngờ ô nhiễm, hãy suy nghĩ về môi trường trước khi sử dụng thực phẩm.

7. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố:

a) Chủ trì phối hợp các ban, ngành, các tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố;

b) Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Đội phòng chống tội phạm xã, phường… trong việc tuyên truyền, giám sát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố và phát hiện các hành vi vi phạm;

c) Đến cuối năm 2015 hoàn thành việc quy hoạch khu vực bán thức ăn đường phố; huy động liên ngành kiểm soát thức ăn đường phố gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng ấp, khu phố văn hóa.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi được giao quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Căn cứ vào kế hoạch, đặc điểm của địa phương, chủ trì phối hợp các ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai tại địa bàn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện và báo cáo hằng quý, hằng năm.

- Chỉ đạo Trạm Y tế và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức, tuyên truyền, tập huấn, vận động về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cộng đồng, đặc biệt là duy trì tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, chỉ đạo xây dựng các mô hình truyền thông cộng đồng nhằm thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm gắn kết với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa;

- Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra việc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường, thị trấn quản lý. Tổ chức kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bằng phương pháp cảm quan và test nhanh, lấy mẫu thực phẩm gửi lên tuyến trên kiểm nghiệm;

- Công bố tên cơ sở thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm trên phương tiện truyền thông, bảng thông báo tại công sở, tại cuộc họp tổ, khu phố… Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% các hộ kinh doanh đường phố cải thiện được điều kiện an toàn thực phẩm: có nón chụp tóc, trang phục riêng, khẩu trang, găng tay, nước sạch và giỏ rác nơi bán hàng;

- Giám sát, phát hiện kịp thời và báo cáo lên tuyến trên tình trạng ô nhiễm thực phẩm, các trường hợp ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, giúp tuyến trên điều tra nguyên nhân thực phẩm;

- Ký cam kết giữa chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.