Chỉ thị 04/2012/CT-UBND triển khai thực hiện nghị định 55/2011/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 04/2012/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn | Người ký: | Hoàng Ngọc Đường |
Ngày ban hành: | 02/03/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2012/CT-UBND |
Bắc Kạn, ngày 02 tháng 03 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ: 55/2011/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức Pháp chế được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2011 (sau đây gọi là Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của công tác pháp chế trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, là cơ sở để củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế, tạo cơ chế quản lý thống nhất về công tác pháp chế.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung của Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP đến lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát, thống kê đội ngũ những người làm công tác pháp chế hoặc phụ trách công tác pháp chế trong cơ quan, đơn vị để có biện pháp xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế phù hợp với quy định của Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ và điều kiện thực tế của địa phương.
c) Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức, viên chức chuyên trách làm công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP .
d) Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban, Ngành, doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức rà soát văn bản có liên quan đến công tác pháp chế do HĐND, UBND tỉnh ban hành nhằm kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp, có chồng chéo, mâu thuẫn để kiến nghị xử lý theo quy định.
c) Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan rà soát đội ngũ những người làm công tác pháp chế hoặc phụ trách công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; xây dựng Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP .
d) Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế tại địa phương theo quy định.
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước trong công tác pháp chế ở địa phương; báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của Bộ Tư pháp về công tác pháp chế của địa phương.
3. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tư pháp rà soát đội ngũ những người làm công tác pháp chế, phụ trách công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để có phương án thành lập, củng cố, kiện toàn và xây dựng mới tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP .
b) Xây dựng kế hoạch tuyển dụng sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác pháp chế theo đúng quy định của Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ của công tác pháp chế.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh dự toán kinh phí nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ cho công tác pháp chế của địa phương.
5. Các Doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh:
a) Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp.
b) Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của địa phương căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách theo đúng quy định tại Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP .
c) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung của Nghị định số: 55/2011/NĐ-CP đến lãnh đạo, cán bộ làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp.
6. Tổ chức thực hiện:
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị, đảm bảo có hiệu quả.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị này, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế Ban hành: 04/07/2011 | Cập nhật: 05/07/2011