Chỉ thị 04/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường
Số hiệu: 04/2009/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Đặng Đình Vượng
Ngày ban hành: 05/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2009/CT-UBND

Việt Trì, ngày 05 tháng 3 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã chú ý chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải; tích cực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đã tạo ra kết quả bước đầu xử lý được một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc kéo dài nhiều năm; bước đầu đã tạo được sự nhất trí, tham gia của toàn xã hội vào việc thực hiện bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, khí hậu đang biến đổi theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt, cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng; trên địa bàn tỉnh một số đô thị, cụm dân cư nông thôn, xí nghiệp công nghiệp, làng nghề mức độ ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải, các sự cố môi trường gia tăng, nguồn nước mặt, nước ngầm đang ngày càng bị ô nhiễm; tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn chậm, ở một số nơi cơ quan chức năng và chính quyền chưa thật sự chú ý đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn thấp; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Tình hình trên đang ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện ngay các nội dung như sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị (cấp huyện):

1.1. Chỉ đạo cơ quan chức năng của cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn: thực hiện nghiêm túc việc xây dựng và chấp hành bản đăng ký cam kết BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phân cấp và các hoạt động dịch vụ quy mô hộ gia đình; quản lý hoạt động, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường chế độ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh và hoạt động dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân. Phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên biết.

1.2. Tiếp tục đôn đốc việc thực hiện đăng ký bản cam kết BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến quy định BVMT theo thẩm quyền. Chỉ đạo tổng hợp báo cáo kịp thời với UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) tình hình về ô nhiễm môi trường, các biện pháp xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn, tổng hợp đề xuất phương án phòng, chống, giảm thiểu và khắc phục sự cố môi trường, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh để xử lý.

2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất:

2.1. Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, thành, thị; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

2.2. Rà soát các quy định hiện hành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo quy định pháp luật.

2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các doanh nghiệp sản xuất phát sinh nhiều nước thải, khí thải. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

2.4. Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải thường xuyên tại cửa xả của hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu công nghiệp; tăng cường công tác thẩm định, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, rác thải về các khu xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh khu xử lý chất thải, rác thải và suốt tuyến thu gom, vận chuyển.

2.5. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

2.6. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể, UBND cấp huyện cụ thể hóa các nội dung chương trình hành động thực hiện kế hoạch chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

3. Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm: Chỉ đạo triển khai khẩn trương dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp Thụy Vân; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm môi trường ở các khu công nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

4. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm tăng cường quản lý và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng, nhất là việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải rắn, ô nhiễm bụi của các công trình xây dựng.

5. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường chủ động tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường trong lĩnh vực khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn.

6. Giám đốc Sở Công thương có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện khẩn trương xây dựng quy chế cụ thể để quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong năm 2009.

7. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm: Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm môi trường.

8. Các Sở, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tổng hợp, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Đình Vượng

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.