Chỉ thị 04/2007/CT-UBND triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng
Số hiệu: 04/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Hồng Quân
Ngày ban hành: 16/04/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/CT-UBND

Hạ Long, ngày 16 tháng 4 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, LUẬT LUẬT SƯ, LUẬT CÔNG CHỨNG

Tại các kỳ họp thứ 9, thứ 10 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01.2007) và Luật Công chứng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007); đây là những văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng, thể chế hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác cải cách tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tác động trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp và đời sống kinh tế xã hội.

Để kịp thời triển khai thi hành có hiệu quả các đạo Luật trên, tạo điều kiện thuận lợi để các quy định của Luật phát huy hiệu lực thực tế trong đời sống xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau:

1/ Tổ chức rà soát các văn bản hiện hành có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng.

Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng các ngành hữu quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của địa phương có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng để kịp thời kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, bãi bỏ văn bản không còn phù hợp với các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng; nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Việc rà soát các văn bản pháp luật trên đây phải được hoàn thành trong Quý II năm 2007.

2/ Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động công chứng, trợ giúp pháp lý, luật sư.

a) Kể từ ngày Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, các quy định của luật phải đuợc nghiêm túc thi hành. Hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, các phòng công chứng, văn phòng công chứng, đoàn luật sư, các tổ chức luật sư phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định phải tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của các đơn vị này.

b) Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với hoạt động công chứng, trợ giúp pháp lý, luật sư và đảm bảo cho các cơ quan này hoạt động theo đúng quy định của Luật:

Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiến hành rà soát lại tổ chức, biên chế, trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của các tổ chức này theo đúng quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, luật công chứng. Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nhu cầu công chứng của tổ chức, công dân; Sở Tư pháp phối hợp cùng Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập các Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và thành lập các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoạt động trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng đoàn luật sư tỉnh trong việc quản lý hành nghề luật sư trên nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư bảo đảm việc tuân theo pháp luật quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cùng Đoàn luật sư tiến hành rà soát về tổ chức và hoạt động của các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh được cấp giấy phép theo pháp lệnh luật sư năm 2001 đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc chuyển đổi theo đúng quy định của Luật Luật sư, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Luật sư. Việc rà soát và thực hiện chuyển đổi phải hoàn thành trong Quý II năm 2007.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đoàn luật sư, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp phối hợp cùng Sở Tài chính cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm lập dự toán nguồn kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất cho Đoàn luật sư trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

3/ Công tác triển khai thi hành và tuyên truyền phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng:

a) Công tác tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật

Trong Quý II năm 2007, Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Công chứng cho đội ngũ cán bộ thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành và các đơn vị kinh tế trên địa bàn tỉnh có liên quan. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí cấp bổ sung để tổ chức hội nghị trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Trên cơ sở hội nghị triển khai cấp tỉnh Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế của địa phương quyết định việc tổ chức hội nghị triển khai thuộc cấp mình.

b) Công tác tuyên truyền phổ biến Luật:

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh Tuyền hình Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật công chứng tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân. Nhiệm vụ này được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền pháp luật trong năm 2007. Sở Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu, đề cương nội dung phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Sở, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp; (Báo cáo)
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP/TU, các Ban, đoàn thể TU;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0, NC, TH1;
- Lưu: VT, NC.
H90-CT 02

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Quân

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.