Chỉ thị 04/2006/CT-UBND về nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2006 do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: 04/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Bùi Thanh Quyến
Ngày ban hành: 14/02/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2006/CT-UBND

Hải Dương, ngày 14 tháng 02 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2006

Năm 2005, năm đầu tổ chức thực hiện Nghị định 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác Quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã chăm lo xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Nhiệm vụ Quân sự - quốc phòng địa phương đã được triển khai tích cực, đồng bộ và hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu đặt ra. Chất lượng và sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang được nâng cao; công tác giáo dục quốc phòng được duy trì thực hiện có nền nếp đạt chất lượng khá; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giải quyết các chế độ chính sách tồn đọng, thực hiện chính sách hậu phương quân đội đã gắn kết, tạo thành phong trào cách mạng của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005.

Tuy nhiên, việc quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng - quân sự địa phương ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, kết quả đạt được còn hạn chế ở từng mặt, chất lượng chưa đồng đều.

Năm 2006 là năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn thực hiện chiến lược chống phá cách mạng nước ta bằng âm mưu và thủ đoạn “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; những nhân tố dễ gây mất ổn định khu vực nông thôn vẫn tiềm ẩn đặt ra cho nhiệm vụ Quốc phòng - quân sự địa phương năm nay và những năm tiếp theo phải được tăng cường về mọi mặt. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày16 tháng 01 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nhiệm vụ Quốc phòng địa phương năm 2006, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp về mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố Quốc phòng - An ninh; thực hiện Nghị quyết TW8 (Khoá IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và Luật Quốc phòng kết hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Thực hiện tốt Nghị quyết 54/BCT của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến 2020, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp để từng bước nâng cao hiệu quả. Thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, đảng viên và học sinh, sinh viên trên địa bàn theo phân cấp của Bộ Quốc phòng. Kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả Hội đồng giáo dục quốc phòng ở mỗi cấp sau Đại hội Đảng các cấp. Cử cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Quân khu tổ chức, đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần quy định. Rà soát, nắm số lượng cán bộ quản lý doanh nghiệp trên địa bàn để lập kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng này trong giai đoạn từ 2006 đến 2010. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo Kế hoạch của Hội đồng Giáo dục quốc phòng tỉnh và chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu Ba.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục quốc phòng trong Trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị, huyện, thành phố, các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trung học phổ thông theo quy định; tổ chức đào tạo giáo viên bộ môn giáo dục quốc phòng cho các trường Trung học phổ thông làm cơ sở để tổ chức học đều môn giáo dục quốc phòng theo chương trình năm học.

3. Triển khai thực hiện Luật Quốc phòng, Nghị định của Chính phủ về Khu vực phòng thủ và Phòng thủ dân sự. Thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố. Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, trú trọng sẵn sàng chiến đấu phòng không, thực hiện phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ, cháy rừng. Chỉ đạo và tổ chức lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện cho phù hợp với điều kiện thực tế, từng bước nâng cao chất lượng cho cán bộ, chiến sỹ và phân đội sau huấn luyện, diễn tập.

Tổ chức diễn tập quốc phòng - an ninh tại huyện Nam Sách, huyện Gia Lộc và Sở Y tế. Phối hợp với các đơn vị chủ lực của quân khu thực hiện diễn tập theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu. Đồng thời tổ chức diễn tập cơ quan quân sự và công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch.

Các huyện, thành phố chỉ đạo diễn tập cho 4 xã và tổ chức diễn tập các ngành: Y tế (huyện Ninh Giang, Kinh Môn); Phòng Hạ tầng kinh tế (huyện Bình Giang, Ninh Giang); Bưu chính viễn thông (huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Miện).

Thực hiện tốt công tác quản lý, cải tạo và nâng cấp các công trình quốc phòng trên địa bàn, duy trì thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa lực lượng Quân đội và Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới theo Quyết định 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Các cấp, các ngành cần tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, chú trọng xây dựng cơ quan Quân sự các cấp vững mạnh, toàn diện, nhất là Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở; kiện toàn đội ngũ cán bộ quân sự theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Nghị định 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cán bộ quân sự ở cơ sở theo quy định của Bộ Quốc phòng, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác Quốc phòng, quân sự địa phương; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, với lực lượng Công an nhân dân thực hiện công tác quản lý nhà nước về An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

5. Tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng Dân quân tự vệ bảo đảm đủ số lượng, coi trọng chất lượng chính trị, nhất là các đơn vị phòng không, đơn vị cơ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở. Tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương về Pháp lệnh Dân quân tự vệ; Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh và các thông tư hướng dẫn thực hiện. Xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ theo đúng quy định. Tiến hành xây dựng điểm lực về lượng dân quân gắn với huấn luyện và hoạt động giữ gìn trật tự trị an kết hợp với sản xuất theo chỉ đạo của Quân khu.

Xây dựng lực lượng Dự bị động viên vững mạnh, thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về động viên quân dự bị, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và tập trung huấn luyện năm 2006. Duy trì công tác đăng ký, quản lý nguồn động viên tuyển quân, đăng ký quản lý các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân phục vụ nhiệm vụ Quốc phòng khi có nhu cầu. Thực hiện giao quân năm 2006 bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm; gắn công tác tuyển quân với quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ quân sự ở cơ sở. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng Dự bị động viên.

6. Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng nghĩa vụ quân sự, Ban hậu cần địa phương - hậu cần nhân dân, Ban quân - dân y kết hợp và Hội đồng giáo dục quốc phòng ở mỗi cấp. Thành lập Hội đồng phòng không nhân dân ở cấp mình khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định vùng trọng điểm về phòng không nhân dân. Bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch khối A, khối B theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong tình hình mới, phù hợp với các phương án A, A2, A4.

7. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tăng cường chỉ đạo và duy trì hoạt động các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, các chế độ đãi ngộ đối với người có công theo quy định của Nhà nước. Giải quyết dứt điểm việc thực hiện chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên, xuất ngũ trước 31.12.1960 theo Quyết định 47/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 08.11.2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà Nước.

8. Các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 05.10.2002 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị số 34 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên trong tình hình mới gắn với việc tổng kết công tác xây dựng Chi bộ Quân sự xã (Chi bộ Dân quân cơ động) theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương.

9. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra về lĩnh vực Quốc phòng - an ninh trên địa bàn, trọng tâm là nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TW8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có sự tham gia của Quân khu. Chấp hành đợt kiểm tra của Quân khu về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, quản lý vũ khí trang bị và công tác kiểm toán nhà nước.

Nhiệm vụ Quốc phòng, công tác Quân sự địa phương năm 2006 rất nặng nề, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan Thanh tra quốc phòng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai sót, đồng thời thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ Tư lệnh QK3;
- TT Tỉnh uỷ (Thay báo cáo);
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, TP.
- Lưu: VT (90b)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quyến