Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2018 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 03/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Lê Minh Thông
Ngày ban hành: 29/01/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Nghệ An, ngày 29 tháng 01 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trong thời gian qua; đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ sau TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và cung ứng thuốc phục vụ nhân dân, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện công lập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập còn một số tồn tại như: hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, biển hiệu ghi chưa đúng quy định, niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ, người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động, vệ sinh cơ sở không đạt. Tình trạng hành nghề y, dược không phép có giảm hơn so với những năm trước, nhưng còn chiếm tỷ lệ tương đối cao, khoảng 16% và có xu hướng tăng lên. Những tồn tại này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo, tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số nội dung trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập của các Sở, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chưa quyết liệt, chưa có biện pháp xử lý triệt để và ngăn ngừa các sai phạm của các cơ sở hành nghề; còn có tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót cơ sở hành nghề trong công tác kiểm tra; việc phân cấp trách nhiệm kiểm tra chưa cụ thể giữa các ngành, UBND cấp huyện.

Để thực hiện tốt quản lý nhà nước về hành nghề y, dược trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm phát huy yếu tố tích cực, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong hoạt động hành nghề; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Y tế

a) Tiếp tục tổ chức tập huấn và tuyên truyền phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các văn bản mới quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Thực hiện việc xét duyệt cấp, cấp lại: Chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo đúng quy định và thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hành nghề.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập; tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh để thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

d) Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm Dược - Mỹ phẩm - Thực phẩm, thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; đảm bảo các sản phẩm lưu hành trên thị trường phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; báo cáo định kỳ kết quả kiểm nghiệm về Sở Y tế và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xử lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm về chất lượng theo quy định của pháp luật.

e) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành quán triệt, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, viên chức trong cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập.

f) Chỉ đạo các cơ sở y tế và bệnh viện ngoài công lập thực hiện công tác khám chữa bệnh đúng quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở hành nghề y tế đúng quy định pháp Luật.

3. Công an tỉnh

a) Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương và các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa các hoạt động kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, kém chất lượng.

b) Chủ động nắm bắt tình hình, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập; hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm.

4. Sở Công thương

a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tổ chức và thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực hành nghề y, dược.

b) Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm nhằm tránh trùng lặp, bỏ sót và thực hiện nghiêm túc nội dung kế hoạch đề ra.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, giá dịch vụ y tế trong các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thông tin quảng cáo trong lĩnh vực y tế; không đăng tin quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không đúng với nội dung chuyên môn đăng ký quảng cáo của các cơ sở y, dược ngoài công lập.

7. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An

Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề cũng như nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực này.

8. Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; đồng thời tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

a) Chủ động phối hợp với Sở Y tế trong công tác quản lý nhà nước về y, dược ngoài công lập; thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành nghề y, dược hoạt động trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Phòng Y tế, các đơn vị trực thuộc liên quan, xây dựng kế hoạch và bố trí đầy đủ nhân lực để triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

c) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh không để cơ sở hành nghề y tế không phép hoạt động trên địa bàn quản lý, thời gian chậm nhất vào ngày 31/03/2018.

d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã (phường, thị trấn), các tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quảng cáo hành nghề y, dược ngoài công lập, kinh doanh thực phẩm chức năng; không kinh doanh, lưu hành các loại máy chẩn đoán bệnh chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép.

Yêu cầu Giám đốc các S; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Thông

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.