Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Số hiệu: | 03/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang | Người ký: | Nguyễn Văn Linh |
Ngày ban hành: | 24/05/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Bắc Giang, ngày 24 tháng 5 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn, thương tích làm tử vong 23 trẻ em, 17 vụ án có liên quan đến xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý; những tháng đầu năm 2019, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, giáo viên có hành vi không đúng mực đối với học sinh… có dấu hiệu diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em, có những giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị đuối nước; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em và nhóm công tác liên ngành ở cấp xã; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, đuối nước trẻ em...
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước; tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp trong tỉnh, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; đặc biệt quan tâm đến các gia đình có trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và nguy cơ rơi vào HCĐB, gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có cha, mẹ đi làm ăn xa, gia đình có vấn đề xã hội....
- Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em; hàng năm cung cấp các tài liệu tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em cho các địa phương, các trường học trên địa bàn để thực hiện công tác tuyên truyền.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho trẻ em và người thân trẻ em trong trường hợp bị xâm hại, bị bạo lực; kịp thời phối hợp với các ngành, các địa phương có biện pháp can thiệp, trợ giúp khi phát hiện các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trong nội dung báo cáo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của ngành.
2. Công an tỉnh: Chỉ đạo công an các huyện, thành phố tuyên truyền Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em còn tồn đọng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
3. Sở Giao thông và Vận tải: Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa, làm mới, cắm biển cảnh báo, pano tại những vị trí giao thông nguy hiểm, nơi có mật độ tham gia giao thông đông nhằm tuyên truyền Luật Giao thông đến với người dân, đặc biệt trẻ em.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tăng cường công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, tránh bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để xử lý, khắc phục, giải quyết; khuyến khích việc lắp đặt camera để theo dõi việc quản lý trẻ em trong các cơ sở mầm non.
5. Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em, nhất là ở trong trường học và các địa bàn xảy ra nhiều tai nạn đuối nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định an toàn tại các bể bơi, các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã thực hiện tuyên truyền về Luật Trẻ em, các văn bản của Bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; chú trọng công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, thông tin trên Internet dành cho trẻ em và liên quan đến trẻ em.
8. Sở Tư pháp: Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các quy định của pháp luật về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực.
9. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật đối với các vụ án có người bị hại, người phạm tội là trẻ em và người chưa thành niên. Đối với các vụ án điển hình về xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm cần kịp thời đưa ra xét xử hoặc xét xử lưu động để nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em hiệu quả.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố giác và giải quyết các vấn đề nóng về trẻ em đặc biệt là bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra đuối nước đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức cảnh báo kịp thời; tích cực triển khai các hoạt động của phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
11. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo kiểm tra hoạt động Ban điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em và nhóm công tác liên ngành cấp xã; phát hiện kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em, có biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, đảm bảo cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; thường xuyên rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, các công trình đang thi công...
- Bố trí đủ nguồn lực để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các cấp tại địa phương; ưu tiên đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em; chỉ đạo xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại, đuối nước trẻ em.
- Chỉ đạo tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, thôn, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; đặc biệt quan tâm đến các gia đình có trẻ em rơi vào HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB, gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có cha, mẹ đi làm ăn xa, gia đình có vấn đề xã hội....
- Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vụ việc bạo hành, xâm hại, đuối nước trẻ em do nguyên nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý; thực hiện báo cáo đột xuất về UBND tỉnh khi xảy ra vụ việc và báo cáo định kỳ theo quy định.
Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, báo cáo tình hình kết quả thực hiện Chỉ thị cùng với báo cáo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của địa phương gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH |