Chỉ thị 03/CT-BGTVT năm 2009 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 03/CT-BGTVT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành: 08/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI   
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1)

Theo thông báo số 11 của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường Bộ Y tế, tính đến ngày 6 tháng 5 năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo đã có 21 nước chính thức thông báo ghi nhận 1.490 trường hợp mắc dương tính với cúm A(H1N1): Mexico, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Anh, Đức, New Zealand, Israel, Pháp, Elsanvador, Italia, Áo, Hà Lan, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông – Trung Quốc, Hàn Quốc, Costa Rica, Ireland, Colombia, Bồ Đào Nha. Số nước chính thức xác nhận có trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tăng lên hàng ngày.

Thực hiện công điện số 639/CĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng ngừa dịch cúm A(H1N1); Công văn số 35/BCĐ-QLTT ngày 29-4-2009 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc tăng cường phòng chống dịch cúm A(H1N1); trước yêu cầu khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm A(H1N1) xâm nhập và lây lan, bảo vệ sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải và nhân dân địa phương, Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:

1. Các đơn vị thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) do thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban và cán bộ y tế là phó ban thường trực, tổ chức trực phòng chống dịch 24/24h.

2. Quán triệt nguy cơ dịch bệnh đến các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; Tuyên truyền tới cán bộ viên chức lao động, hành khách trên các phương tiện giao thông hiểu nguy cơ dịch cúm A(H1N1) và hợp tác với cơ quan chức năng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

3. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu bắt buộc đi đến các khu vực đang có dịch, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến; Hạn chế tổ chức các cuộc họp tập trung đông người trong thời gian có dịch.

4. Khi có người nghi ngờ mắc bệnh cúm cần đưa đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời và báo cáo Cục Y tế Giao thông vận tải, Y tế địa phương.

5. Các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường bộ Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; các Tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan:

a) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế ngành, y tế địa phương, cơ quan kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, sân bay, cảng biển trong việc tổ chức và thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế đơn vị hành khách nhập cảnh; Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ cúm A(H1N1) phải tổ chức cách ly, theo dõi y tế, kiểm tra sức khỏe và xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế.

b) Phối hợp cung cấp đầy đủ danh sách, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin cần thiết của tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch đến, để Bộ Y tế chỉ đạo y tế địa phương theo dõi, giám sát.

c) Phối hợp thực hiện kiểm dịch y tế tại các cảng biển theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế đối với tàu biển nhập cảnh từ vùng dịch.

d) Xử lý triệt để chất thải của hành khách trên các phương tiện giao thông và nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, cảng biển; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng chống dịch của ngành Y tế, Công an, Thú y, Quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các đầu mối giao thông, trên các tuyến giao thông.

6. Các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề chủ động theo dõi diễn biến dịch và triển khai triệt để các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia.

7. Cục Y tế Giao thông vận tải:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch; Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các đơn vị ngành Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch;

b) Chỉ đạo các cơ sở y tế ngành Giao thông vận tải thành lập các đội phòng chống dịch cơ động, đội cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất sẵn sàng phòng chống dịch; Thường trực 24/24h; Chủ động phối hợp với y tế địa phương phòng, chống dịch hiệu quả khi có dịch xảy ra;

c) Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp cứu, thu dung, điều trị, cách ly, chăm sóc người bệnh với đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, các phương tiện cần thiết để xử lý và điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

8. Vụ Tài chính: Hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện công văn số 6285/BTC-HCSN ngày 04 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc bố trí kinh phí thực hiện phòng chống dịch cúm A(H1N1).

9. Công tác kiểm tra, giám sát: Cục Y tế Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp các Cục, Vụ liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm.

Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên. Mọi thông tin về diễn biến dịch bệnh báo cáo về Bộ Giao thông vận tải qua Cục Y tế Giao thông vận tải theo số điện thoại đường dây nóng: Cơ quan – 043.8453251; BS. Hoàng Thị Hiếu – DĐ: 0912.033.267). Cục Y tế Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về diễn biến tình hình dịch trong phạm vi toàn ngành.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- Ban chỉ đạo 127-TW (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Trung tâm CNTT, Báo GTVT;
- Công đoàn GTVT VN (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, TCCB, Sở Y tế GTVT.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng