Chỉ thị 03/2013/CT-UBND theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: | 03/2013/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Nguyễn Xuân Tiến |
Ngày ban hành: | 05/09/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2013/CT-UBND |
Đà Lạt, ngày 05 tháng 09 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ SAU THANH TRA VÀ QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ TỐ CÁO CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh đã triển khai và tổ chức thực hiện tương đối tốt; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh. Qua thanh tra đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, những bất cập trong cơ chế, chính sách… đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng và xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm; đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của thanh kiểm tra chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết, còn buông lỏng nên một số đối tượng thanh tra không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc trì hoãn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra... Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản sai phạm qua thanh tra hàng năm chưa cao, việc xử lý đối với các tập thể, cá nhân sai phạm chưa nghiêm, việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều hành của các cấp, các ngành.
Để tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra; Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; nhằm chấn chỉnh kỷ cương hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, các tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra đối với các sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý, phụ trách, cụ thể:
a) Căn cứ kiến nghị xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra. Thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo các tập thể, cá nhân có sai phạm phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước các khoản tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc gây thất thoát. Trường hợp tập thể, cá nhân có sai phạm có ý kiến khác, chưa đồng ý với quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra thì vẫn phải chấp hành thu nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan, tổ chức thanh tra trong khi chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm; nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản với cơ quan đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra đảm bảo thời gian ghi trong kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Người đứng đầu của cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm để xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
b) Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra. Trường hợp phát hiện đơn vị thuộc quyền quản lý không thực hiện hoặc đã quá thời gian quy định mà vẫn chưa thực hiện thì có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thực hiện kịp thời các kiến nghị xử lý;
c) Đối với các sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định, thì đối tượng thanh tra và cơ quan quản lý cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra chuyển giao tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thực hiện các kết luận, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
a) Đối với các khoản phải thu hồi là tiền, thì các cơ quan, tổ chức thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị Kho bạc Nhà nước các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản. Trong khi chờ Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện phong tỏa tài khoản của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra theo quy định tại Điều 41, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP , đề nghị Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong tỉnh phối hợp, tạo điều kiện về phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra.
Trường hợp đơn vị, cá nhân bị xử lý không có tiền trong tài khoản để trích nộp, quá thời hạn quy định vẫn không chấp hành quyết định thu hồi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Đối với tài sản khác (nhà, đất, xe, thiết bị...) bị tạm giữ, người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản phối hợp áp dụng các biện pháp theo quy định trong thời gian chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền;
c) Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý khác như thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ tham gia đấu thầu có thời hạn theo quy định hiện hành;
d) Trường hợp các đơn vị, cá nhân sai phạm và mức độ sai phạm là nghiêm trọng nhưng đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc nộp lại các khoản tiền và tài sản bị thất thoát, thì cơ quan, tổ chức thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra xem đó là hành vi tích cực khắc phục hậu quả, để xem xét tình tiết giảm nhẹ trong việc kiến nghị hoặc xử lý trách nhiệm.
3. Khi có kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là cấp trên của đối tượng thanh tra, có trách nhiệm chỉ đạo đối tượng thanh tra thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền có sai phạm theo điểm b, mục 1 Chỉ thị này. Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị có hành vi sau đây thì tùy mức độ vi phạm phải kiểm điểm và chịu hình thức xử lý, kỷ luật theo quy định của pháp luật:
a) Không chỉ đạo tập thể, cá nhân có sai phạm kiểm điểm trách nhiệm để xử lý, kỷ luật theo thông báo xử lý của cơ quan có thẩm quyền;
b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật, nhưng cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật (theo phân cấp quản lý cán bộ) không kịp thời xem xét, không ban hành quyết định kỷ luật trong thời hạn quy định;
c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật không tương xứng với mức độ sai phạm của người vi phạm.
4. Đối với các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật doanh nghiệp có hành vi vi phạm; ngoài việc xử lý về tài chính nêu trên, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ tham gia đấu thầu theo quy định của pháp luật và thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng.
5. Đối với các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực thi hành, yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện ngay. Đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc thì phải chủ động báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ để thực hiện. Không để xảy ra tình trạng quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành hoặc thi hành chậm, dẫn đến việc công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên Tỉnh và Trung ương, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
6. Trong quá trình thanh tra, các Đoàn thanh tra và Thanh tra viên phải thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các kết luận của thanh tra phải đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan và được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh các trường hợp oan sai. Trong quá trình thanh tra ngoài việc kiểm tra và thu thập chứng cứ cần tăng cường đối thoại để làm sáng tỏ các vấn đề trước khi có kết luận thanh tra, các thanh tra viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ, tuyệt đối không gây khó khăn, sách nhiễu đối với đơn vị và đối tượng thanh tra.
7. Các cơ quan, đơn vị; các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh, chủ động tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Rà soát các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được tổ chức thực hiện hoặc chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
8. Tổ chức thực hiện:
a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết;
c) Giao Thanh tra tỉnh, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |