Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về tăng cường quản lý công tác liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Số hiệu: 03/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Duy Cường
Ngày ban hành: 12/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/CT-UBND

Yên Bái, ngày 12 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC LIÊN KẾT ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, CẤP CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC, TIẾNG DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI.

Trong những năm vừa qua công tác liên kết đào tạo đại học theo hình thức chính quy theo địa chỉ đã từng bước được triển khai trên địa bàn tỉnh; từ đó đã tạo điều kiện cho học sinh dự thi đại học không đủ điểm trúng tuyển có cơ hội vào học các trường đại học. Cùng với việc học sinh thi đỗ vào đại học, học sinh đi học theo địa chỉ tại các trường đại học, công tác liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương được mở rộng; công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, nhất là tin học phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước xây dựng “xã hội học tập”. Với sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, trong đó thế hệ trẻ làm nòng cốt đã thực sự phát huy hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, quản lý các loại hình đào tạo nói trên còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác quản lý liên kết đào tạo còn phân tán, chưa quy về một đầu mối theo quy định. Cho nên, một số đơn vị còn tuỳ tiện tổ chức tuyển sinh, liên kết đào tạo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Do đó, đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tạo ra dư luận không tốt trong xã hội.

Để quản lý công tác liên kết đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc đảm bảo kỷ cương, nề nếp theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009; Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012; Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/6/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 03/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không được phép tổ chức các lớp liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các lớp ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc; việc mở các lớp trên được giao cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, làm đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý công tác liên kết đào tạo và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc nhằm đưa các hoạt động đào tạo này tuân thủ theo các quy định hiện hành.

a) Tổ chức thẩm định điều kiện mở các lớp liên kết đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; chỉ cho phép các cơ sở giáo dục có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được làm thủ tục mở các lớp liên kết đào tạo. Quyết định cấp giấy phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở đào tạo có các lớp ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc theo đúng quy định.

b) Hướng dẫn các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo theo hình thức liên kết đào tạo; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc; tổng hợp nhu cầu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

c) Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền các hoạt động liên kết đào tạo và đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc cấp bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, các ngành có trường chủ trì đào tạo để tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm trong hoạt động liên kết đào tạo; phát hiện và báo cáo kịp thời UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo những trường hợp vi phạm quy định về liên kết đào tạo của các đơn vị tham gia liên kết đào tạo. Trường hợp các bên liên kết đào tạo vi phạm quy định về liên kết đào tạo; các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thì bị xử lý theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 08/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chủ động phối hợp với các trường đại học mở các lớp đại học chính quy theo địa chỉ.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến công tác liên kết đào tạo và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi đối tượng trên địa bàn; thường xuyên đưa tin về kết quả thực hiện và kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích, những điển hình tốt để nhân rộng, đồng thời phản ánh những địa phương, đơn vị và cá nhân thực hiện chưa tốt.

5. Đối với các cơ sở giáo dục của tỉnh với vai trò là đơn vị chủ trì đào tạo, phối hợp đào tạo.

a) Chủ động khảo sát nhu cầu đào tạo của các ngành, các địa phương để xây dựng kế hoạch mở lớp phù hợp; chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thực hiện các thủ tục mở lớp theo quy định.

b) Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập, chủ động liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động để đưa học viên về thực hành, thực tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

c) Tăng cường công tác quản lý dạy và học, đặc biệt quan tâm đến quản lý giảng viên, kiên quyết không để hiện tượng giảng viên dạy dồn, dạy ép; quản lý học viên trong quá trình học tập trung, kiên quyết xử lý theo quy chế những học sinh học thay, thi hộ; thống nhất với đơn vị chủ trì đào tạo từng bước kiểm soát việc tự học. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 09/2010/TT-BGDĐT ngày 10/3/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế Học viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm vừa học.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- UBMTTQ Việt nam tỉnh;
- Ban VH-XH-HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Yên Bái, Đài PT-TH Yên Bái;
- Công báo tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các phòng GD&ĐT;
- Lưu: VT, VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
CHỦ TỊCH





Phạm Duy Cường