Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về công tác thú y năm 2012
Số hiệu: 03/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Đinh Viết Hồng
Ngày ban hành: 20/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/CT.UBND

Nghệ An, ngày 20 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THÚ Y NĂM 2012

Năm 2011, công tác Thú y tại địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan: Chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác kiểm dịch động vật nội, ngoại tỉnh, kiểm dịch tôm giống… do đó đã hạn chế được phần lớn các loại dịch bệnh xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, dịch Lở mồm long móng (LMLM), Tụ huyết trùng trâu bò, Tai xanh ở lợn, Cúm gia cầm và bệnh Đốm trắng ở tôm vẫn xẩy ra tại một số địa phương trong tỉnh đã làm ảnh hưởng đáng kể về kinh tế và phát triển sản xuất chăn nuôi.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đề ra những biện pháp nhằm giảm thiểu dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác Thú y; tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo công tác Thú y nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Tập trung chỉ đạo phòng và chống các loại dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, LMLM ở gia súc, Tụ huyết trùng trâu bò, Tai xanh, dịch tả lợn, Dại chó, bệnh Đốm trắng ở tôm nuôi,… ngăn chặn dịch tái phát và lây lan ra diện rộng, hạn chế thiệt hại. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình công tác Thú y, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh.

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:

- Xây dựng kế hoạch, lập Phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2012.

- Phối hợp với UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, dại chó năm 2012 đạt kết quả cao.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, có kế hoạch và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh kịp thời và khống chế trong diện hẹp.

- Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội, ngoại tỉnh (bao gồm cả thuỷ sản) tại nơi đi và nới đến theo quy định; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm động vật tươi sống trên địa bàn thuộc địa phương quản lý.

Đối với các chợ mua bán gia súc, gia cầm, đặc biệt là chợ Ú, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương: Thực hiện nghiêm túc theo nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Công văn số 3317/BNN-TY ngày 06/11/2001 “V/v kiểm soát trâu bò buôn bán tại chợ Ú huyện Đô Lương”… và các văn bản hướng dẫn khác của các cấp, các ngành liên quan nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản; công tác tiêm phòng vắc xin, tại các địa phương, đặc biệt là 8 huyện nằm trong dự án khống chế dịch LMLM quốc gia giai đoạn 2011-2015, vùng vành đai chăn nuôi bò sữa… Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân làm sai quy định. Tăng cường công tác quản lý thuốc Thú y trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các ngành chức năng, UBND cấp huyện, xã kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới Thú y cơ sở.

2. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí và phân bổ kịp thời nguồn kinh phí cho hoạt động Thú y năm 2012, nhất là kinh phí phòng, chống dịch khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản xẩy ra.

3. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, phòng tránh những bệnh nguy hiểm từ vật nuôi lây sang người. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT trong công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người.

4. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT, các địa phương, các ngành

có liên quan để tham gia công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản; đồng thời để kiểm soát chặt chẽ việc nhập động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là việc nhập lậu trâu, bò, chó... qua biên giới từ các nước láng giềng vào tỉnh Nghệ An.

5. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) nhằm tăng cường công tác quản lý lưu thông động vật và sản phẩm gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

6. Sở Thông tin & Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

a) Xác định việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản là trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp, của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của Pháp luật về công tác Thú y để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

b) Duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả Ban chỉ đạo phòng chống dịch

gia súc, gia cầm cấp huyện, xã. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách từng nội dung, địa bàn cụ thể. Tăng cường chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Thú y và UBND các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thuỷ sản. Khi có dịch xảy ra phải chủ động khống chế trong diện hẹp, hạn chế thiệt hại mức thấp nhất do dịch bệnh xẩy ra, đặc biệt là các bệnh: Cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn, bệnh Đốm trắng.

c) Xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản năm 2012 trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã và các ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương án đã phê duyệt.

d) Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm. Yêu cầu tiêm đạt 100% kế hoạch được UBND tỉnh giao. Thường xuyên tổ chức tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm khi đến tuổi tiêm phòng, đàn nuôi mới hoặc tái đàn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2349/CT-BNN-TY ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm.

e) Chỉ đạo Trạm Thú y huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn.

f) Chỉ đạo việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử môi trường chăn nuôi thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.

g) Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo phương thức xã hội hoá; Quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; Nghiêm cấm chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng