Chỉ thị 03/2007/CT-UBND triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu: | 03/2007/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang | Người ký: | Lê Minh Tùng |
Ngày ban hành: | 31/01/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bổ trợ tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2007/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 31 tháng 01 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Đây là văn bản pháp luật thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, người được hưởng chính sách và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để họ tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm cho người nghèo, người được hưởng chính sách và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng các quyền theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý; góp phần thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và bảo đảm công bằng xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức và nhân dân theo thẩm quyền quản lý của mình. Đồng thời có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Chi nhánh và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý phục vụ người nghèo, người được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
2. Giám đốc Sở Tư pháp có kế hoạch củng cố tổ chức, tăng cường năng lực hoạt động đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thông qua các hình thức như: Xây dựng phương án thành lập các Chi nhánh đưa vào hoạt động trong năm 2007; sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực và đào tạo nguồn cán bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trước mắt và lâu dài; rà soát, xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đạt tiêu chuẩn, chất lượng đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện các vấn đề có liên quan đến việc thành lập Chi nhánh Trợ giúp pháp lý Nhà nước ở cấp huyện hoặc theo khu vực phù hợp theo đặc điểm tình hình địa giới hành chính trong tỉnh. Nghiên cứu bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao nhất.
4. Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý đến nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo ; thường xuyên thông tin những nội dung liên quan đến chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng, Nhà nước với nhiều hình thức phong phú để nhân dân thông hiểu.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã tổ chức triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo kế hoạch hướng dẫn của Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |