Chỉ thị 03/2003/CT-UB tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động
Số hiệu: 03/2003/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Mai Hoa Niê Kđăm
Ngày ban hành: 21/01/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2003/CT-UB

Buôn Ma Thuột, ngày 21 tháng 01 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị, Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ quy định việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thời gian qua hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu.

Tính đến tháng 12/2002, tỉnh ta đã đưa được gần 300 người đi làm việc tại các nước Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản. Hầu hết số lao động này đều đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động, có thu nhập tương đối cao, nhiều người đã gửi tiền về giúp gia đình phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại đó là:

- Chủ trương và chính sách về xuất khẩu lao động chưa được các ngành, các cấp nhận thức quán triệt đầy đủ nên chưa có sự phối hợp tốt giữa doanh nghiệp và các địa phương.

- Đại bộ phận lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài là người nghèo nên không đủ tiền để trang trải cho các chi phí ban đầu. Việc vay vốn gặp nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp nên có đến 70-80% số lao động đã xuất cảnh ra nước ngoài làm việc phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao, thời gian hoàn trả vốn và lãi ngắn; việc cấp hộ chiếu cho lao động tuy đã được quan tâm nhưng tiến độ còn chậm; bộ phận khám sức khỏe cho người lao động do chưa chuyên môn hóa và chưa đủ lực lượng nên việc khám sức khỏe hiện nay còn một số vấn đề cần phải được khắc phục.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu lao động trong thời gian tới bình quân mỗi năm từ 1.400 đến 1.500 người, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị tham gia hoạt động xuất khẩu lao động triển khai thực hiện một số việc sau đây:

1. Sở Lao động - Thương binh và xã hội cần tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong hoạt động xuất khẩu lao động đến tận các cấp, các ngành. Xác định đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, coi xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế xã hội góp phần phát triển nhân lực, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vì vậy phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp. Tuyên truyền sâu rộng về XKLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và các huyện bố trí chương trình để Ban chỉ đạo và các doanh nghiệp XKLĐ đưa thông tin tuyên truyền về XKLĐ miễn phí.

2. Thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ của tỉnh do Đ/c phó chủ tịch UBND Tỉnh làm trưởng ban, Đ/c Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội làm phó ban, các thành viên là lãnh đạo các Sở, Ngành gồm: Công an tỉnh, Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Đài Phát thanh truyền hình, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Buôn Ma Thuột và Giám đốc Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và các ngành liên quan tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

Tại các xã thành lập Ban chỉ đạo về xuất khẩu lao động của xã do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, Chủ tịch UBND xã làm phó ban và một số thành viên khác.

3. Tổ chức điều tra thu thập thông tin về số lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giao cho Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì cùng với Cty Đầu tư XNK Đaklak chọn mỗi huyện 1 đến 2 xã có lực lượng lao động lớn dôi dư để tổ chức tuyển chọn trực tiếp tại xã theo mô hình hợp đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, người lao động, gia đình người lao động và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4. Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh:

- Ban hành quy định về việc sử dụng một phần nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo - việc làm hoặc vốn của ngân hàng chính sách cho lao động nghèo vay theo hình thức tín chấp để trang trải chi phí ban đầu; có chính sách sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các đối tượng chính sách, lao động là người dân tộc thiểu số;

- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho tập huấn, tuyên truyền, điều tra và thông tin về xuất khẩu lao động, chi phí học tập giáo dục định hướng, ngoại ngữ của người lao động và bố trí kinh phí cho các ngành, các địa phương trọng điểm đi khảo sát công việc làm của lao động tại nước ngoài.

- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh đầu tư mở rộng, tăng cường năng lực, cơ sở vật chất của Trung tâm giáo dục định hướng và các cơ sở dạy nghề của Tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn cho XKLĐ và đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý.

5. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần triển khai cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận ký ngày 15/11/2002 giữa Cục Quản lý lao động với nước ngoài với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trung ương.

6. Công an tỉnh cần có biện pháp xử lý nhanh để sau 15 ngày kể từ ngày nộp tờ khai người lao động sẽ nhận được hộ chiếu. Đây là một trong những khâu hết sức mấu chốt tác động đến việc lập kế hoạch thị trường và tiến độ xuất khẩu, giảm tổn thất và thiệt hại cho người lao động.

7. Ngành Y tế cần phải bố trí thêm người khám, chủ động liên hệ với Bộ y tế, các bệnh viện đã có kinh nghiệm để nắm được tiêu chuẩn cụ thể; tránh tình trạng gây phiền hà hoặc quá dễ dãi khi khám sức khỏe cho người đi làm việc ở nước ngoài.

8. Trung tâm Dịch vụ việc làm ngoài việc tổ chức hỗ trợ tạo nguồn để giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong tỉnh, còn phải mở rộng liên hệ hợp đồng tạo nguồn cho các doanh nghiệp trong cả nước để đa dạng hóa ngành nghề và tăng thị trường tiếp nhận lao động của tỉnh ở các nước.

9. Sở Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức thực hiện; đồng thời định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả về UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị xuất khẩu lao động triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực TU (để B/C);
- Thường trực HĐND (để B/C),
- Các Sở, Ngành,
- UBND các huyện, TP,
- Cty ĐTXNK;
- Trung tâm DVVL,
- Lưu VT, VX, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Hoa Niê KDăm