Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2010 triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành
Số hiệu: 02/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Đức Cường
Ngày ban hành: 11/03/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/CT-UBND

Đông Hà, ngày 11 tháng 3 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, chủ rừng và nhân dân đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở được triển khai một cách đồng bộ; các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đã chủ động thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng nên các vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, do vậy không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực, mùa khô năm 2010 sẽ chịu tác động bởi hiện tượng El-Nino, nhiệt độ không khí trung bình mùa khô năm nay cao hơn nhiều năm gần đây, đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất lâm nghiệp và đời sống của nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; để chủ động phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Giao Ban Chỉ huy thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng, các cấp chủ động quán triệt thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động đối phó với tinh thần tích cực, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn và cháy rừng trong mùa khô năm 2010. Lập kế hoạch phòng, chống cháy rừng mùa gió Tây- Nam khô nóng 2010 cho từng khu vực dự án, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Kiện toàn, chỉ đạo tăng cường hoạt động Ban Chỉ huy thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ huy trong suốt mùa khô;

b) Rà soát, bố trí phương tiện vận chuyển, thiết bị chữa cháy và lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm. Chuẩn bị điều kiện vật chất và lực lượng tại chỗ để phát hiện sớm, tổ chức cứu chữa kịp thời; đồng thời có phương án thiết lập mạng thông tin liên lạc phục vụ cháy rừng và dự kiến phương án thông tin nhanh để các lực lượng phòng cháy, chữa cháy của tỉnh đến ứng cứu khi xảy ra cháy vượt ngoài khả năng chữa cháy của lực lượng tại chỗ. Ban Chỉ huy Phòng, chống cháy rừng huyện bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ trong ngày, trong các tháng mùa khô ở những nơi có nguy cơ cháy cao.

3. UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; chỉ đạo tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy cho đồng bào để ổn định sản xuất. Trong thời kỳ cao điểm khô hạn cần quy định cụ thể nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn kiểm tra chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy ở những vùng theo quy hoạch.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau đây:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư;

b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên nắm diễn biến tình hình về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời tham mưu đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện chủ trương và các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, tổ chức dự báo cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh;

c) Phối hợp với lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra;

d) Tổ chức thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý các thông tin, báo cáo kịp thời và đề xuất lên Ban Chỉ huy thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng của tỉnh để chỉ huy khi cháy rừng xảy ra. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

5. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ địa phương trong việc chữa cháy rừng.

6. Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng thời lượng, kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng.

7. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bảo đảm kinh phí cho các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Yêu cầu các Giám đốc Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyên, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Cường