Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Số hiệu: | 02/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Bình | Người ký: | Đinh Văn Điến |
Ngày ban hành: | 27/04/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Ninh Bình, ngày 27 tháng 4 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, công tác phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; có 100 dự án trong các khu công nghiệp được cấp phép đầu tư; trong đó 56 dự án đã đi vào hoạt động sử dụng trên 28 nghìn lao động. Có 171 dự án được cấp phép đầu tư trong các cụm công nghiệp; trong đó có 156 dự án đã đi vào hoạt động sử dụng gần 6 nghìn lao động.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp còn một số tồn tại như: Còn tình trạng một số doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường; còn xảy ra một số vụ đình công của người lao động và vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự... gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tính từ năm 2010 đến nay, trong các khu, cụm công nghiệp đã xảy ra 133 vụ phạm pháp hình sự, 13 vụ gây ô nhiễm môi trường, 05 vụ cháy, 18 vụ đình công, 05 vụ tai nạn lao động. Các vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của doanh nghiệp và tính mạng của người lao động, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề trên đó là: Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn doanh nghiệp; nhận thức của người lao động về pháp luật chưa đầy đủ và tính kỷ luật chưa cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình an ninh công nhân trên cả nước đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các vụ việc công nhân đình công, nghỉ việc tập thể diễn ra ngày càng nhiều; trong đó, có những vụ do tự phát nhưng cùng có những vụ do bị các phần tử xấu, đối tượng cơ hội chính trị lôi kéo, kích động; đặc biệt, có những vụ được các tổ chức phản động nước ngoài móc nối, tiếp tay; bên cạnh đó là công tác quản lý, hỗ trợ của các ngành, các cấp cho hoạt động của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, sự phối hợp trong quản lý chưa kịp thời, nhịp nhàng. Những tồn tại trên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh, môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn.
Để bảo đảm an ninh, an toàn trong các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất, giữ vững môi trường đầu tư của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Công an tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch liên ngành nhằm phối hợp bảo đảm tốt an ninh, an toàn trong các khu, cụm công nghiệp. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp.
b) Tăng cường công tác năm tình hình, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Đôn đốc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chủ động nắm chắc tình hình an ninh công nhân, phát hiện các dấu hiệu có thể xảy ra đình công, lãn công để cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố giải quyết kịp thời. Chủ động xây dựng phương án và bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực khi xảy ra đình công, nghỉ việc tập thể hoặc những hành động gây rối, làm mất an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp.
c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mô hình cụm an toàn về an ninh trật tự giữa các cơ quan doanh nghiệp và các địa bàn giáp ranh. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các khu, cụm công nghiệp. Hướng dẫn chủ doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện các quy định về công tác xây dựng doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống cháy, nổ. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự tại doanh nghiệp.
d) Tổ chức tấn công trấn áp các loại tội phạm tại các khu, cụm công nghiệp, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
e) Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật xảy ra tại các doanh nghiệp. Tổ chức phương án chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường.
2. Ban Quản lý các khu công nghiệp:
a) Có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng và đảm bảo cảnh quan các khu công nghiệp, nhất là hệ thống xử lý chất thải, nước thải; tăng cường công tác quản lý hạ tầng khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
b) Tăng cường quản lý hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo đúng định hướng, chủ trương, chính sách, pháp luật.
c) Quản lý chặt chẽ lao động làm việc trong các doanh nghiệp, nhất là đối với lao động là người nước ngoài. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn hoạt động cho tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện và có hình thức xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường.
e) Chủ trì, phối hợp với các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng và các dự án trong khu, cụm công nghiệp.
b) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp; đối với các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo quy định của nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh.
4. Sở Công thương:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý phát triển các cụm công nghiệp theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, khí dầu mỏ hóa lỏng của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Lao động và hệ thống pháp luật có liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về các quy định của pháp luật, giúp cho người lao động nắm vững và hiểu rõ nghĩa vụ, quyền và lợi ích chính đáng của mình.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là doanh nghiệp có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, dễ cháy nổ.
c) Thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động (nhất là về đơn giá, định mức, vệ sinh, an toàn lao động, những quy định về quy chế dân chủ tại doanh nghiệp); hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn và vệ sinh lao động, chế độ chính sách với người lao động. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vụ đình công, nghỉ việc tập thể cho các địa phương.
a) Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh xuất ăn cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các nhà ăn tập thể của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc sử dụng thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
b) Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong các doanh nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp,... để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động.
c) Xây dựng phương án xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc tập thể tại các doanh nghiệp.
7. UBND các huyện, thành phố:
a) Chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương và chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp và các địa bàn giáp ranh với các khu, cụm công nghiệp; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và giải quyết dứt điểm các hiện tượng, vụ việc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ đình công, nghỉ việc tập thể của người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn huyện, thành phố mình quản lý.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động trên địa bàn; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương, nhất là trong các doanh nghiệp hoạt động trong khu, cụm công nghiệp và cụm an toàn về an ninh trật tự khu vực giáp ranh.
8. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu, cụm công nghiệp:
a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường làm việc, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn lao động; đồng thời phổ biến cho người lao động nắm chắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự.
b) Chủ động xây dựng nội quy, quy định cụ thể về công tác đảm bảo an toàn, bảo vệ an ninh trật tự và tổ chức lực lượng bảo vệ, lực lượng tự quản về an ninh trật tự tại doanh nghiệp. Xây dựng nếp sống văn hóa trong doanh nghiệp, không để xảy ra cháy nổ, các tai tệ nạn xã hội và các vi phạm về môi trường. Tăng cường lực lượng, phương tiện, chủ động trong công tác bảo đảm an toàn lao động và an ninh trật tự; tập trung củng cố lực lượng bảo vệ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng.
c) Lãnh đạo các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại doanh nghiệp mình.
d) Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cho các cấp, các ngành chức năng và phối hợp giải quyết có hiệu quả những vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:
a) Thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và chủ doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, bãi công.
b) Thường xuyên hướng dẫn hoạt động tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; chú trọng tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, trình độ văn hóa và nghề nghiệp cho người lao động.
c) Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách, pháp luật đối với lao động, bảo vệ môi trường; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng định mức lao động, mức khoán sản phẩm, đảm bảo hợp lý, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động.
10. Tổ chức thực hiện:
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới đối với yêu cầu của Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Công an tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương để tập hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, 1 năm tập hợp tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |