Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2019 về chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: | 02/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum | Người ký: | Nguyễn Văn Hòa |
Ngày ban hành: | 24/01/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 24 tháng 01 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản, lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ. Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các lực lượng chức năng, một số chủ rừng còn buông lỏng công tác quản lý; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ,...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và hạn chế tối đa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, yêu cầu các Thủ trưởng các Sở, ban ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau đây:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục tư tưởng, chính trị của cán bộ, chiến sỹ trong công tác QLBVR:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức tư tưởng chính trị, quán triệt sâu rộng, có trọng tâm đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và Nhân dân trên địa bàn về ý thức trách nhiệm trong công tác QLBVR.
- Sở Thông tin Truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình Kon Tum, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho Nhân dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng để biểu dương, khen thưởng, kịp thời và phổ biến, tuyên truyền nhân rộng tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
2. Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QLBVR:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị, địa phương do đơn vị quản lý đảm bảo phù hợp với năng lực, chuyên môn để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường các biện pháp chấn chỉnh, huấn luyện nâng cao bản lĩnh, phẩm chất chính trị đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên luân chuyển cán bộ theo quy định, không bố trí cán bộ đã bị kỷ luật hoặc có biểu hiện vi phạm giữ chức vụ quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đối với lực lượng kiểm lâm và bộ đội biên phòng.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu huyện ủy, thành ủy rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng và Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp huyện, cấp xã theo hướng đủ mạnh, đầy đủ các lực lượng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
3. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong công tác tuần tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan:
+ Bố trí lực lượng đủ mạnh triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, chú trọng công tác phòng ngừa, nắm bắt thông tin về các hành vi có dấu hiệu vi phạm, tổ chức tuần tra truy quét, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước.
+ Thường xuyên rà soát, sắp xếp, bổ sung và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt, trạm bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản tại các khu vực trọng điểm thường xảy ra vi phạm trên địa bàn để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng và hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
+ Chỉ đạo kiểm tra, xác lập đầy đủ hồ sơ tất cả các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật để Nhân dân biết, theo dõi.
+ Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm trong hoạt động công vụ, những trường hợp thoái hóa, biến chất, bao che, tiếp tay cho đối tượng vi phạm.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Phương án thí điểm giao rừng cho lực lượng bộ đội quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng; đặc biệt là diện tích rừng trong khu vực biên giới theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm chính đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trong khu vực biên giới.
- Các huyện, thành phố đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vụ việc, các điểm nóng liên quan đến công tác QLBVR; địa phương nào để xảy ra vi phạm công tác QLBVR thì tùy theo tính chất, mức độ vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng và các lực lượng chức năng có liên quan chịu trách nhiệm chính trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, hoặc để xảy ra việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ và kinh doanh lâm sản, xử lý phương tiện giao thông độ chế không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ theo thẩm quyền của ngành, thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ và đột xuất về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý; rà soát, kiểm tra các hồ sơ mua bán gỗ, nhất là các hồ sơ do nhà nước bán đấu giá; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản vi phạm các quy định của nhà nước (các cơ sở ở gần rừng, không đúng quy hoạch, vi phạm về đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy, mua bán, thuế, mua bán, kinh doanh lâm sản....) theo quy định của pháp luật.
- Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập chuyên đề ra quân rà soát và có biện pháp xử lý triệt để, dứt điểm các phương tiện giao thông độ chế không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh. Địa phương nào còn xe độ chế hoạt động vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng Công an địa phương đó chịu trách nhiệm Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh.
5. Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được các ngành chức năng phát hiện:
- Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các vụ án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã được các ngành chức năng phát hiện do đơn vị đang thụ lý; hoàn tất hồ sơ để truy tố, đưa ra xét xử các đối tượng trong các vụ án xâm hại tài nguyên rừng, vi phạm pháp luật về quản lý lâm sản; tổ chức xét xử lưu động một số vụ án điển hình nhằm giáo dục, răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
- Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng nghiên cứu bố trí camera cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để theo dõi và hỗ trợ công tác phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm, hạn chế các trường hợp xử lý nhiều vụ việc gỗ vô chủ và chống người thi hành công vụ như trong thời gian vừa qua.
6. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương, chủ rừng triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ tại phiên họp thường kỳ tháng cuối quý của Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |