Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2010 về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 02/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Đào Văn Bình
Ngày ban hành: 25/01/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 02/CT-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ Y DƯỢC TƯ NHÂN

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã và đang phát triển trong đó có hoạt động hành nghề Y Dược tư nhân, số lượng cơ sở hành nghề y dược tư nhân (HNYDTN) phát triển nhanh chóng, loại hình hành nghề đa dạng tạo thành một mạng lưới y tế rộng khắp, góp phần cải thiện và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh của các tầng lớp nhân dân Thủ đô;

Các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã góp phần tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc huy động nguồn cung cấp tài chính và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ có thêm cơ sở hành nghề y dược tư nhân khả năng tiếp cận cơ sở y tế của nhân dân được tăng lên. Hành nghề y dược tư nhân góp phần khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân với một số lượng khá lớn, chia sẻ bớt gánh nặng quá tải trong các cơ sở nhà nước;

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp có tính chất tích cực nói trên cũng còn nhiều cơ sở hành nghề Y Dược tư nhân hoạt động phát sinh nhiều tồn tại, tiêu cực cần được nhanh chóng khắc phục như: Hành nghề không có giấy phép, hành nghề quá phạm vi cho phép, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng xét nghiệm gây tốn tiền của người bệnh, quảng cáo quá khả năng chuyên môn thực có. Nhiều cơ sở hoạt động chủ yếu là nhằm chạy theo lợi nhuận, kinh doanh buôn bán để kiếm lời;

Tình trạng trên đây đã gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, trước mắt và lâu dài đối với người bệnh, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân;

Để thực hiện nghiêm túc Luật Dược, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Dược, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, nhằm phát huy những kết quả tích cực và kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, UBND Thành phố Hà Nội chỉ thị các cấp, các ngành có liên quan tiến hành một số công việc sau đây:

1. Sở Y tế tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề Y, Y học cổ truyền tư nhân theo đúng quy định. Tổ chức thanh kiểm tra toàn diện các cơ sở HNYDTN được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phúc tra các cơ sở HNYDTN trên địa bàn thành phố.

2. UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra toàn diện các cơ sở HNYDTN được UBND quận, huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chỉ đạo các UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện quản lý tốt hoạt động hành nghề Y dược tư nhân trên địa bàn, tập trung vào một số nội dung sau:

- Phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm các cơ sở hành nghề không phép.

- Nội dung kiểm tra đối với các cơ sở HNYDTN đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề Y, Y học cổ truyền tư nhân:

+ Địa điểm hành nghề;

+ Thời hạn của giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề y dược tư nhân;

+ Tư cách pháp nhân của những người đang hành nghề tại thời điểm tiến hành kiểm tra;

+ Hồ sơ nhân viên;

+ Phạm vi hành nghề;

+ Việc thực hiện những quy định của Bộ Y tế cơ sở vật chất, trang thiết bị, niêm yết công khai giá khám chữa bệnh, giá dịch vụ y tế, giá bán thuốc, giờ làm việc; chế độ vệ sinh khu vực hành nghề, vệ sinh môi trường; đeo biển hiệu, quần áo công tác; ghi chép sổ sách;

+ Việc thực hiện quy chế chuyên môn, phòng chống nhiễm khuẩn, phòng chống sốc phản vệ, xử lý rác thải y tế.

3. Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường triệt phá và xử lý theo pháp luật các ổ nhóm buôn bán, sản xuất thuốc giả, ma túy và các loại thuốc kích thích sinh lý.

4. Cục Hải quan thành phố phối hợp với Công an, Sở Y tế thành phố có kế hoạch chặt chẽ, kiểm soát nguồn thuốc chữa bệnh nhập vào thành phố theo đường nhập khẩu phi mậu dịch.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các đơn vị trong ngành y tế để mọi người và các đơn vị hiểu rõ Luật Dược, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành để các đơn vị và mọi người tự giác thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 70/CT-UB ngày 24/12/1994 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường Quản lý HNYDTN.

Giám đốc các Sở ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy, HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đ/c CVP; đ/c PVP (Đ.Đ.Hồng);
- Các phòng chuyên viên VP UBND TP;
- Lưu VT, LĐCSXH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH  




Đào Văn Bình