Chỉ thị 02/CT-BXD năm 2017 về đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu: 02/CT-BXD Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Phạm Hồng Hà
Ngày ban hành: 20/06/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-BXD

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐỔI MỚI, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, hoạt động đầu tư xây dựng công trình ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về loại công trình, nhiều công trình có quy mô, công suất lớn, kỹ thuật phức tạp. Công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lượng tai nạn trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao (năm 2014 chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết, năm 2015 chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn và 37,9% tổng số người chết, năm 2016 chiếm 23,8% tổng số vụ tai nạn và 24,5% tổng số người chết). Số liệu nêu trên cho thấy mặc dù số vụ tai nạn lao động và thiệt hại về người năm 2016 có giảm so với các năm trước nhưng hoạt động thi công xây dựng công trình vẫn là hoạt động có nguy cơ cao về mất an toàn lao động.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình (Luật Xây dựng năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Nghị định 39/2016/NĐ-CP , Nghị định 44/2016/NĐ-CP , Nghị định 59/2015/NĐ-CP , Nghị định 46/2015/NĐ-CP , Thông tư số 04/2017/TT-BXD). Các chính sách mới được nghiên cứu, ban hành theo hướng đổi mới, chủ động phòng ngừa, làm rõ nội dung quản lý an toàn lao động của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động.

Để tăng cường công tác an toàn lao động nhằm hạn chế tối đa sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thi công xây dựng thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng:

1.1. Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại Điều 4 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình (Thông tư 04/2017/TT-BXD). Trong đó, đặc biệt lưu ý một số nội dung sau:

a) Tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng;

b) Tổ chức thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn;

c) Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

1.2. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 03/CT-BXD ngày 11/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý chất lượng đảm bảo an toàn hệ thống giàn giáo sử dụng trong thi công xây dựng công trình.

2. Đối với chủ đầu tư:

Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2017/TT-BXD. Trong đó, đặc biệt lưu ý một số nội dung sau:

2.1. Kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng hợp này.

2.2. Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp này khi cần thiết.

2.3. Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

2.4. Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình đúng quy định của pháp luật.

2.5. Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BXD .

3. Đối với các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn:

3.1. Chủ động rà soát và có kế hoạch bổ sung các điều kiện cần thiết về kiểm định viên, trang thiết bị phục vụ kiểm định để thực hiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Thông tư 04/2017/TT-BXD .

3.2. Tuân thủ các yêu cầu của quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn, đảm bảo kết quả chính xác, khách quan và chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định sau khi máy, thiết bị, vật tư đã đáp ứng được các điều kiện về kiểm định kỹ thuật an toàn.

3.3. Thực hiện báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn theo yêu cầu tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP .

4. Đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về xây dựng

4.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình.

4.2 Tăng cường kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 8 Thông tư 04/2017/TT-BXD. Thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình phải có nội dung đánh giá về an toàn lao động.

4.3. Xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động.

4.4. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phân công, phân cấp thực hiện các trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn.

Giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: LĐ TB&XH, GTVT, NN & PTNT, CT, CA, QP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Sở: XD, LĐ TB&XH, GTVT, NN & PTNT, CT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tổ chức hoạt động KĐKT ATLĐ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, GĐ.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Hồng Hà

 

 

Điều 4. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình

1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nội dung cơ bản của kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định tại Phụ lục I Thông tư này.

2. Tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.

3. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu tại Điều này đối với phần việc do mình thực hiện.

4. Tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.

5. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công.

6. Khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.

7. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo chủ đầu tư về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng.

8. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Xem nội dung VB
Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu.

2. Phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình.

3. Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

4. Đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.

5. Chỉ đạo, phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; khai báo sự cố gây mất an toàn lao động; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư này; tổ chức lập hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

6. Trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư được quyền giao cho nhà thầu này thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình với các nhà thầu khác và với chính quyền địa phương trong quá trình thi công xây dựng công trình.

7. Trường hợp áp dụng loại hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng công trình (EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay (sau đây viết tắt là tổng thầu), trách nhiệm quản lý an toàn lao động được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư được quyền giao cho tổng thầu thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng và việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của tổng thầu;

b) Tổng thầu thực hiện các trách nhiệm do chủ đầu tư giao theo quy định tại điểm a khoản này và thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 4 Thông tư này đối với phần việc do mình thực hiện.

8. Việc thực hiện các quy định nêu tại Điều này của chủ đầu tư không làm giảm trách nhiệm về đảm bảo an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng đối với các phần việc do mình thực hiện.

Xem nội dung VB
Điều 8. Kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Nội dung kiểm tra bao gồm: sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; việc lập và thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của chủ đầu tư và các nhà thầu trên công trường xây dựng.

2. Tổ chức kiểm tra an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình:

a) Đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP, thẩm quyền kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP;

b) Đối với công trình còn lại, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra.

3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện kiểm tra như sau:

a) Kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, đột xuất hoặc phối hợp kiểm tra đồng thời với kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;

b) Phối hợp kiểm tra theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Xem nội dung VB