Chỉ thị 02/2012/CT-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: | 02/2012/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Hồ Đức Phớc |
Ngày ban hành: | 12/01/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2012/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 12 tháng 01 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY CHỢ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xẩy ra một số vụ cháy chợ, trung tâm thương mại và cơ sở sản xuất tư nhân gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Điển hình: vụ cháy tại Chợ Vinh ngày 20/6/2011 gây thiệt hại 3,6 tỷ đồng; cháy Siêu thị điện máy CK Plaza ở thành phố Vinh ngày 02/9/2011 gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng... Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn nhiều bất cập, sơ hở, thiếu sót; tình trạng vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy còn xẩy ra khá phổ biến. Khi tiến hành quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình chưa thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ý thức chấp hành Pháp luật về phòng cháy chữa cháy của người có trách nhiệm quản lý các chợ, trung tâm thương mại, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân chưa nghiêm; kiến thức về phòng cháy, chữa cháy của các hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại còn hạn chế.
Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xẩy ra cháy chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất tư nhân, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Công tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao ý thức trách nhiệm và kiến thức về công tác PCCC cho cán bộ, nhân dân.
2. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin, phản ánh những cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC, đồng thời phê phán, cảnh báo và có giải pháp phòng tránh không để xẩy ra cháy, nổ.
3. Công an tỉnh:
- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân công tác tự kiểm tra và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở thiếu sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân; kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình đưa vào sử dụng mà không thẩm duyệt về PCCC theo quy định.
- Phối hợp với các ngành chức năng để thẩm duyệt thiết kế, phương án PCCC theo quy định của Pháp luật.
4. Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn cơ quan chủ quản ban hành và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân theo quy định. Củng cố mô hình tổ chức, trung tâm thương mại, bảo đảm đủ về số lượng và có năng lực đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và công tác PCCC.
5. Sở Xây dựng: Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng khi cấp giấy phép xây dựng các công trình, đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu xây mới hoặc cải tạo lại, phải được thẩm duyệt về PCCC trong quá trình lập dự án, thiết kế công trình và được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của Luật PCCC.
6. UBND cấp huyện, cấp xã cần quan tâm đầu tư cho hoạt động PCCC, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ và hậu quả tác hại khi để xẩy ra cháy chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân trên phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh nội bộ của xã, phường, thị trấn và các cơ sở, nhằm nâng cao ý thức cho mọi người tham gia hoạt động ở chợ hiểu và chấp hành tốt các quy định về PCCC, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác PCCC.
7. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân trực tiếp quản lý (cơ quan chủ quản) các chợ, trung tâm thương mại tổ chức tự kiểm tra, rà soát thực trạng công tác quản lý PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại trong địa bàn quản lý. Các chợ, trung tâm thương mại trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Phải có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, gồm: Tính chịu lửa của kết cấu, ngăn cách cháy, thoát nạn, trang thiết bị báo cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về PCCC và có biện pháp khắc phục kịp thời. Các chợ, trung tâm thương mại phải xây dựng phương án chữa cháy, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy ít nhất mỗi năm 01 lần theo quy định.
8. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và phải chịu trách nhiệm về tình hình cháy, nổ xẩy ra ở đơn vị, địa phương mình.
Giao Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện Chỉ thị này; quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh) để tiếp tục chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |