Chỉ thị 01/CT-UBND về công tác đảm bảo an ninh trật tự năm 2013 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu: 01/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Diệp
Ngày ban hành: 03/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 03 tháng 01 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ NĂM 2013

Năm 2012, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và công tác đảm bảo an ninh, trật tự của nước ta nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Nhưng với sự lãnh, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững sự ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đã kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giảm tai nạn giao thông, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và 20 năm tái lập tỉnh, 90 năm Ngày sinh và khánh thành khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt,…

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, hoạt động của một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như trộm cắp, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông tuy giảm nhưng chưa thật sự vững chắc, vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn xảy ra khá phức tạp, ...

Để tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương trong năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý điều hành của lãnh đạo các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương trong mọi tình huống; quyết tâm kiềm chế, kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông so với năm 2012.

2. Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động tích cực của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình chỉ đạo thực hiện; cụ thể hoá nội dung thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn; tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm và thông tin, báo cáo kịp thời, đúng qui định.

3. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, nhất là Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới", Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông", huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

4. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử phản động và các loại tội phạm, các qui định của pháp luật về phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự,…. từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa thích hợp, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch và kẻ xấu, tham gia các hoạt động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.

5. Thường xuyên quan tâm củng cố các tổ chức nòng cốt làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở như Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã, phường, thị trấn, Ban bảo vệ trật tự ấp, khóm, Đội dân phòng, phòng cháy chữa cháy, Bảo vệ dân phố, tổ nhân dân tự quản, bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách các cơ quan, đơn vị,… để chủ động, kịp thời nắm và giải quyết có hiệu quả các vấn đề về an ninh trật tự xảy ra ngay tại cơ sở, cơ quan, đơn vị, không để phát sinh diễn biến phức tạp hoặc tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự tại địa phương.

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là công tác quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa phương.

7. Đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, nhất là phong toàn dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh tội phạm, cảm hoá giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học an toàn về an ninh trật tự. Tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình điểm an toàn về an ninh trật tự đã phát huy hiệu quả tác dụng tốt trong thời gian qua, từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực, trở thành phong trào hành động cách mạng thường xuyên của đông đảo quần chúng nhân dân.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn tệ tham nhũng, tiêu cực và các vi phạm pháp luật khác, phát huy vai trò của cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tự kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng tiêu cực tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở để cán bộ công chức và người dân cùng tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là những hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Nhà nước và nhân dân; chủ động có các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa cơ quan Thanh tra và Uỷ ban Kiểm tra Đảng các cấp trong việc thanh, kiểm tra tại một số ngành và lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua như quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý các công trình dự án, ...

9. Tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện xảy ra trong thời gian qua, không đùn đẩy, né tránh, không để địch và phần tử xấu lợi dụng kích động quần chúng tập trung đông người kéo đi khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp, gây mất an ninh trật tự. Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, công khai rõ ràng các công trình, dự án sẽ triển khai thực hiện tại từng địa phương để nhân dân hiểu rõ, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện mới, nhất là khiếu kiện giữa nhân dân với Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm trên, các ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch phù hợp để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vĩnh Long có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, gắn với các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả các chương trình của Chính phủ về phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm, phòng chống tội phạm mua bán người, phòng chống tham nhũng, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông,… tại từng địa phương.

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chỉ đạo theo hệ thống dọc đến cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm trong cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các cơ quan chức năng trong công tác phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư, gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "nếp sống văn minh nơi công cộng", xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, nhất là những loại tội phạm nổi lên trong thời gian gần đây. Tăng cường hình thức xét xử lưu động, công khai rộng rãi để tuyên truyền giáo dục phòng ngừa và răn đe tội phạm.

- Giao Giám đốc Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan giúp UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời đề xuất các cấp khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình thực hiện, đồng thời thông báo phê bình những đơn vị, địa phương thực hiện không tốt, để tình hình tội phạm và các tai nạn, tệ nạn xã hội xảy ra phức tạp; tham mưu tổ chức tổng kết và báo cáo vào cuối năm theo qui định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Diệp

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.