Chỉ thị 01/CT-UBND về công tác thi đua, khen thưởng năm 2011
Số hiệu: 01/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Dương Minh Điều
Ngày ban hành: 18/01/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 18 tháng 01 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2011

Năm 2010, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và quyết tâm phấn đấu thi đua của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thực hiện kiên quyết và kịp thời các giải pháp phòng chống hạn, mặn, dịch bệnh; tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển tăng 24,1% so với năm 2009; lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Năm 2011 là năm đầu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011 - 2015), lập thành tích chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Với những mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ mới đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước phải được nâng lên một tầm cao mới. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2010 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2011 trước Tết Nguyên đán với chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và giai đoạn (2011 - 2015)”. Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động và nhân dân tổ chức thực hiện phong trào thi đua toàn dân, toàn diện, liên tục với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 83/KL-TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội; gắn phong trào thi đua yêu nước với thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”... hướng đến sự lan tỏa và có tác dụng lâu dài, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thường xuyên nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống, phong cách, trách nhiệm tinh thần phục vụ nhân dân.

b) Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thanh niên, trí thức trong thời kỳ mới.

c) Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu GDP năm 2011 tăng 11% - 11,5% so với năm 2010; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

d) Tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; cải thiện đời sống vật chất và nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân; tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

đ) Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến. Thực hiện tốt các chính sách về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, chú ý thực hiện các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường.

e) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

g) Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, địa bàn phức tạp. Phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

2. Thực hiện công tác khen thưởng phải đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục; khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, quan tâm khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động, người trực tiếp sản xuất bằng các hình thức phù hợp.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp khắc phục những hạn chế trong phong trào thi đua; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua đã được phát động; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt.

Kiên quyết chống mọi biểu hiện phô trương, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng; kịp thời khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích; đưa công tác thi đua, khen thưởng thật sự là biện pháp, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về công tác thi đua, khen thưởng; động viên, biểu dương, khen thưởng những ngành, địa phương và đơn vị làm tốt; đồng thời phê bình những nơi không thực hiện đúng các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

3. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng.

Năm 2011, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo Thông tư số 01/2010/TT-BNV ngày 16/4/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế thi đua, khen thưởng. Đồng thời kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, Cụm thi đua, Khối thi đua. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới nội dung tiêu chuẩn thi đua và quy trình bình xét khen thưởng đảm bảo nguyên tắc “dân chủ, công khai, công bằng và chính xác”. Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất của các bộ phận chuyên trách về thi đua, khen thưởng.

Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng vừa có năng lực, giỏi chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới để công tác thi đua, khen thưởng thật sự là động lực giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

4. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc tiếp tục mở các đợt tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay; thường xuyên tuyên truyền các điển hình, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực bằng nhiều hình thức thích hợp, sinh động, dễ nhớ để tất cả mọi người có thể học và làm theo.

Đề nghị cấp ủy Đảng có nghị quyết lãnh đạo thực hiện, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải là hạt nhân đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Chỉ thị này.

Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các đơn vị, địa phương và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.

Chỉ thị này được triển khai phổ biến đến các Sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Minh Điều