Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: | 01/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hưng Yên | Người ký: | Nguyễn Văn Phóng |
Ngày ban hành: | 10/01/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Tài chính, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Hưng Yên, ngày 10 tháng 01 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH NHẰM BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
Thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, điều hành bình ổn giá và đảm bảo trật tự an toàn xã hội Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 như sau:
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố
a) Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết đảm bảo các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm Công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 08/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.
b) Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không tổ chức du Xuân, đi chúc Tết, không tặng quà lãnh đạo; yêu cầu các địa phương không về tỉnh chúc Tết UBND tỉnh, các sở, ngành. Cán bộ, công chức không sử dụng xe công đi lễ hội và không đi lễ hội trong giờ hành chính.
c) Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều được vui Xuân đón Tết; vận động, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
d) Tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
đ) Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc, không để chậm trễ gây ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh và giao dịch của nhân dân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
2. Sở Công Thương
a) Theo dõi sát diễn biến thị trường và có giải pháp chỉ đạo kịp thời các đơn vị bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt thiết yếu; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trên địa bàn tỉnh.
b) Tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại vùng nông thôn, vùng sâu; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.
c) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để tổ chức, cá nhân găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng để phục vụ người dân vùng nông thôn, vùng sâu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính; đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
3. Sở Tài chính
a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thuộc danh mục bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
b) Tăng cường quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kịp thời đề xuất cấp hàng dự trữ đúng đối tượng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
c) Phối hợp với Sở Công Thương, lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến và địa bàn trọng điểm, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhất là các mặt hàng có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (như chất nổ, pháo, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu, bia, gia cầm, thực phẩm....).
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp chống rét, khống chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bùng phát thành dịch lớn.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thăm hỏi, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
b) Rà soát, nắm tình hình đời sống nhân dân, kịp thời đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu.
c) Theo dõi tình hình lương, thưởng Tết của người lao động và việc quản lý lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, đặc biệt là các huyện tập trung nhiều lao động; chủ động có biện pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.
d) Đẩy mạnh công tác kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố lao động xảy ra.
đ) Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo trật tự, an toàn trong các cơ sở cai nghiện ma túy và thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
6. Sở Y tế
a) Chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm khả năng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi dịch bệnh phát sinh; tăng cường công tác y tế dự phòng, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, chế biến thực phẩm; đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân.
b) Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc, giá các dịch vụ y tế, rà soát các hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của Nhà nước, nhằm đảm bảo yêu cầu về giá và chất lượng; chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.
7. Sở Giao thông Vận tải
a) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, không để tình trạng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê đón Tết do không có xe; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu; tăng cường kiểm tra việc kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé xe theo quy định.
c) Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố giao thông.
8. Công an tỉnh
a) Chủ động nắm chắc tình hình, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ, địa bàn trọng điểm, các khu vực công cộng, bến xe, nơi tổ chức lễ hội, du lịch, khi vui chơi giải trí... Có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trong nước. Tấn công kịp thời, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.
b) Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm; đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, các loại tội phạm lừa đảo, trộm cắp, đánh bạc và các tụ điểm ma túy, tệ nạn xã hội phức tạp. Tăng cường đấu tranh tội phạm trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, tiền giả, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm. Kiểm tra, kiểm soát, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
d) Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; hạn chế tình trạng cháy nổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các nơi tổ chức lễ hội, nơi tập trung đông dân cư, trụ sở cơ quan nhà nước, nhà máy, khu công nghiệp...; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các huyện, thành phố vào thời điểm lễ hội, dịp Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương.
b) Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
10. Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Hưng Yên
a) Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy giao dịch tự động (ATM), các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.
b) Chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, điều hành lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
11. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy phong trào thi đua, tạo khí thế tươi vui phấn khởi trong lao động, sản xuất, công tác, học tập; phản ánh không khí vui Xuân, đón Tết của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; nâng cao kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
c) Kiểm soát hoạt động khai thác các dịch vụ bưu chính, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm; tổ chức thực hiện các phương án bảo vệ an toàn mạng lưới thông tin liên lạc và internet, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh thông suốt, an toàn và đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
12. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mở đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong đó tập trung một số mặt hàng nhu cầu cao trong dịp Tết như: Rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm và các mặt hàng cấm.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nếu tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán cần phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 48/CT-TTg năm 2017 về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 Ban hành: 27/12/2017 | Cập nhật: 28/12/2017
Công điện 1882/CĐ-TTg năm 2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân năm 2018 Ban hành: 08/12/2017 | Cập nhật: 09/12/2017