Chỉ thị 01/CT-UB năm 1986 cấm uống rượu trong giờ làm việc, ngăn chặn nạn say rượu trong nhân dân, cấm sản xuất và bán rượu trái phép ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 01/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Văn Triết |
Ngày ban hành: | 10/01/1986 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CẤM UỐNG RƯỢU TRONG GIỜ LÀM VIỆC, NGĂN CHẶN NẠN SAY RƯỢU TRONG NHÂN DÂN, CẤM SẢN XUẤT VÀ BÁN RƯỢU TRÁI PHÉP Ở THÀNH PHỐ
I. Hưởng ứng phong trào cấm uống rượu của ngành Công an cả nước, nhiều ngành và quận huyện ở thành phố như Tân Bình, Củ Chi, Quận 6, Quận 8, Quận 10… đã có nghị quyết, ra văn bản về cấm uống rượu, cấm sản xuất và bán rượu bừa bãi. Các tầng lớp nhân dân thành phố đã gởi thơ đến các cơ quan Đảng – Nhà nước hoặc thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình nói lên tiếng nói đồng tình và kiến nghị những biện pháp kiên quyết, đồng bộ về vấn đề này.
Thể theo nguyện vọng chánh đáng của quần chúng; vì lợi ích trước mắt và lâu dài của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội; thi hành chỉ thị số 16/CT-TU ngày 15/10/1985 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương :
1. Nghiêm cấm cán bộ công nhân viên chức uống rượu trong giờ làm việc ; thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Thành ủy về việc cấp đảng viên, đoàn viên thanh niên Cộng sản, cán bộ (kể cả cán bộ đoàn thể) lực lượng vũ trang và Công an nhân dân uống rượu; ngăn chặn nạn nghiện rượu, say rượu trong toàn dân.
Mọi sự vi phạm, đều bị coi là vi phạm về phẩm chất, về kỷ luật lao động và sẽ bị xử lý theo các hình thức sau đây :
- Cán bộ công nhân viên chức uống rượu trong giờ làm việc, ngoài việc kiểm điểm phê bình ở đơn vị, chịu kỷ luật của Đảng, Đoàn, còn không được công nhận là lao động tiên tiến, không được hưởng các chế độ về nghỉ mát và các chế độ khen thưởng khác và kéo dài thời hạn nâng lương định kỳ. Nếu 3 lần vi phạm coi là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động sẽ bị xử lý ở các hình thức cao hơn (cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức) và có thể bị buộc thôi việc.
- Người nghiện rượu không được thu nhận vào làm việc trong cơ quan Nhà nước và đoàn thể. Cán bộ công nhân viên đã lỡ nghiện rượu thì phải kiên quyết bỏ. Sau nhiều lần nhắc nhở giáo dục mà người đó không sữa chữa, vẫn rượu chè bê tha, vi phạm kỷ luật lao động làm việc không có hiệu suất thì Thủ trưởng đơn vị cần xét lại tư cách và chất lượng lao động của họ mà xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức), có thê cho thôi việc và thông báo cho chánh quyền địa phương nơi người đó cư ngụ để tiếp tục quản lý giáo dục. Người nghiện rượu là nhân dân thì Tổ dân phố và Công an đường phố có trách nhệim giáo dục, nhắc nhở tạo điều kiện cho họ bỏ rượu. Nếu người nghiện rượu còn trong độ tuổi lao động, chơi bời lêu lỏng, làm ăn không chánh đáng thì Ủy ban nhân dân phường, xã cần xét và đề nghị đưa họ đi lao động có thời hạn ở các cơ sở lao động giáo dục tập trung để quản lý, cách ly họ với môi trường xã hội, tạo điều kiện cho họ bỏ rượu.
- Người say rượu sẽ bị phạt 20 đồng do Ủy ban nhân dân phường xã quyết định và đưa ra kiểm điểm ở Tổ dân phố. Nếu la lối, gây mất trật tự khu phố bị phạt thêm 30 đồng. Nếu đánh nhau, gây thương tích cho người khác hoặc gây tai nạn giao thông thì ngoài các hình phạt trên (20 đồng say rượu + 30 đồng mất trật tự) còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn và có thể bị truy tố trước Tòa án.
Người say rượu lái xe, đi bộ trên đường phố thì các lực lượng cảnh sát phải kịp thời giữ lại, tạm giữ họ tại trụ sở Công an phường xã và xử lý họ theo quy định. Ngoài hình phạt, người say rượu phải bồi hoàn lại chi phí chuyên chở, chăm sóc khi họ say rượu.
Bia, các loại nước giải khát có men không kể là rượu, nhưng nếu uống quá liều lượng mà say cũng xử lý theo các hình thức trên.
Người say rượu quá 3 lần, còn trong độ tuổi lao động, chơi bời lêu lỏng, làm ăn không chính đáng thì Ủy ban nhân dân phường xã cần xét đề nghị đưa đi lao động có thời hạn ở các cơ sở lao động giáo dục tập trung để quản lý, cách ly họ với môi trường xã hội, tạo điều kiện cho họ không uống rượu.
2.Từ nay, chỉ có các cơ sở quốc doanh mới được sản xuất rượu theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước. Các cơ sở công tư hợp doanh, hợp tác xã, tập thể cơ quan và tư nhân không được sản xuất rượu. Mọi trường hợp vi phạm đều bị tịch thu phương tiện, sản phẩm, bị phạt tiền (thu hồi thu nhập trái phép) và có thể bị truy tố trước pháp luật tùy theo mức độ phạm pháp do Ủy ban nhân dân quận huyện quyết định. Nếu số tiền phạt trên 500đồng thì Ủy bản nhân dân quận huyện đề nghị và do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Việc sản xuất rượu thuốc và rượu ngân thuốc do ngành Y tế phụ trách sản xuất theo kế hoạch, quản lý và phân phối theo hệ thống hiệu thuốc của ngành Y tế.
3.Chỉ các cửa hàng thương nghiệp, hợp tác xã mới được bán rượu và chỉ bán cho mỗi người 1 chai (không quá 750ml). Các cửa hàng này tuy được bán nhưng không quảng cáo và không bày rượu la liệt trên quầy hàng. Rượu và bia không bán cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Các nhà hàng, cửa hàng ăn uống dịch vụ công cộng của Nhà nước (các nhà hàng du lịch có quy định riêng), của hợp tác xã cũng như tư nhân không được bán rượu và không cho khách mang rượu đến uống tại cửa hàng. Nếu vi phạm cửa hàng sẽ bị phạt tiền từ 100đồng đến 500đồng do Ủy ban nhân dân quận huyện quyết định và nếu có tình trạng người say rượu tại cửa hàng thì ngoài việc xử lý người say rượu theo quy định ở điều 1 trên đây, người phụ trách cửa hàng sẽ bị kỷ luật hành chánh (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức…) do Thủ trưởng cấp trên quyết định nếu cửa hàng do Nhà nước quản lý, đối với cửa hàng tư nhân có thể bị rút giấy phép kinh doanh do Ủy bann nhân dân phường xã quyết định.
Rượu thuốc và rượu ngâm thuốc chỉ bán ở các hiệu thuốc của ngành Y tế.
II. ĐỂ THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CÁC YÊU CẦU TRÊN ĐÂY, CẦN TIẾN HÀNH MỘT SỐ BIỆN PHÁP:
1. Tổ chức sinh hoạt rộng rãi trong cán bộ và nhân dân, vận động phong trào quần chúng không uống rượu, ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tệ say rượu nghiện rượu theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Thành ủy và Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống mới thành phố.
Ở cơ quan đơn vị : Do Thủ trưởng cơ quan đơn vị phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng cơ sở.
Trong nhân dân : Sinh hoạt ở Tổ dân phố do Ủy ban nhân dân phường xã phối hợp với Mặt trận, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ và các đoàn thể khác tổ chức thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp ủy phường, xã.
Yêu cầu của việc sinh hoạt này là làm cho mỗi người nhận rõ tác hại của việc uống rượu, say rượu, nghiện rượu đối với bản thân, gia định, xã hội: hứa quyết tâm thực hiện chỉ thị này và coi đây là nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, là đạo đức phẩm chất của con người lao động mới, là tiêu chuẩn thi đua trong các cơ quan đơn vị Nhà nước.
2. Cùng với các cuộc sinh hoạt nội bộ, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình cần thường xuyên có bài, tin, hìnash ảnh về vấn đề này và cuộc vận động này. Các cơ quan khoa học kỹ thuật, y tế và những người nghiên cứu khoa học và làm nghề y tế cần viết bài phân tích về tác hại của rượu, cách chống nghiện rượu đăng trên báo, phát thanh trên đài.
Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống mới thành phố cần thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán nơi và người chưa thực hiện chỉ thị này, cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí, góp phần đẩy mạnh phong trào một cách thiết thực và có hiệu quả.
3. Các ngành Văn hóa thông tin, thể dục thể thao cần chỉ đạo mở rộng sinh hoạt của các câu lạc bộ, các nhà văn hóa, các thư viện, các tụ điểm vui chơi (văn nghệ, thể thao…) thu hút các tầng lớp nhân dân đến sinh hoạt vào những giờ rãnh rỗi.
4. Ủy ban nhân dân phường, xã theo chức năng quản lý địa bàn dân cư cần chỉ đạo ngành Công an, các Tổ dân phố phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể thường xuyên theo dõi, giúp đỡ nhắc nhở những người nghiện rượu, thường say rượu ; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định nếu sau nhiều lần giáo dục nhắc nhở mà họ vẫn tiếp tục vi phạm.
5. Công an thành phố chỉ đạo Công an phường, xã, nhất là Công an đường phố phối hợp với Mặt trận, đoàn thể thực hiện tốt công tác giáo dục, quản lý người nghiện rượu, thường say rượu và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý nghiêm người lái xe uống rượu.
6. Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc các ngành công nghiệp, y tế, thương nghiệp, ăn uống khách sạn chỉ đạo toàn ngành thực hiện đúng những điều quy định trên đây về sản xuất và phân phối rượu.
Uống rượu, nghiện rượu, say rượu đang là một tệ nạn xã hội cần quan tâm đấu tranh, khắc phục ở thành phố ta. Ngoài việc hủy hoại sức khỏe, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế, còn gây nhiều tác hại về phong cách, đạo đức, nếp sống của xã hội, hạnh phúc gia đình, nhiều trường hợp đã vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm.
Cuộc đấu tranh chống uống rượu, xóa bỏ tệ nghiện rượu say rượu là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, là cuộc đấu tranh của tất cả mọi người, trong từng gia đình, trong từng xóm ấp, từng Tổ dân phố và toàn xã hội.
Vì lợi ích của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi đồng bào, cán bộ chiến sỹ các lực lượng, các ngành các cấp nhiệt liệt hưởng ứng và thiết thực tham gia vào cuộc đấu tranh nay. Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm của phong trào cấm uống rượu trong Đảng, trong Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong Công an, quân đội và lòng nhiệt thành của đồng bào, phong trào không uống, không nghiện rượu, không say rượu của nhân dân thành phố ta nhất định thắng lợi.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các ngành các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này, coi đây là một việc làm không thể thiếu được trong sự nghiệp cải tạo và xây dựng thành phố, xây dựng xã hội mới, con người mới.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |