Chỉ thị 01/CT-BLĐTBXH năm 2009 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 của ngành dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: | 01/CT-BLĐTBXH | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 10/09/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2009 |
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2009 – 2010 CỦA NGÀNH DẠY NGHỀ
Trong những năm gần đây, nhất là năm học 2008 – 2009, dạy nghề đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Cơ sở dạy nghề phát triển nhanh theo quy hoạch; đến nay, cả nước đã có 102 trường cao đẳng nghề, 240 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn các cơ sở giáo dục khác có tổ chức dạy nghề. Quy mô dạy nghề tăng nhanh; năm học 2008 – 2009 tuyển sinh trên 1.538.000 học sinh, sinh viên học nghề, đạt 104% kế hoạch, tăng 9,3% so với thực hiện năm học 2007 – 2008; chất lượng và hiệu quả dạy nghề có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được cải thiện. Chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng “cầu” của thị trường lao động; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được nâng cao; xã hội hóa dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh…. Tuy nhiên, dạy nghề vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng nhu cầu công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và các vùng kinh tế trọng điểm.
Năm học 2009 – 2010 cần tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu cơ quan quản lý dạy nghề các cấp, các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề, các cơ sở dạy nghề tập trung nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Công tác tuyển sinh dạy nghề
- Tuyển sinh đủ số lượng, đảm bảo chất lượng chỉ tiêu kế hoạch năm học 2009 – 2010. Cụ thể: dạy nghề cho 1.640.000 người; trong đó, cao đẳng nghề: 70.000 người, trung cấp nghề: 235.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: 1.335.000 người;
- Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trong Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, về vai trò, vị trí của dạy nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và trong việc lập thân, lập nghiệp của người lao động để thu hút nhiều học sinh học nghề;
- Mở rộng đào tạo liên thông, liên kết nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho người học nghề.
2. Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề
- Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội;
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn; đặc biệt tập trung đầu tư phát triển trung tâm dạy nghề ở 62 huyện nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”.
3. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
- Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý dạy nghề; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp dạy nghề;
- Tiếp tục kiện toàn cơ quan quản lý dạy nghề các cấp; đặc biệt chú trọng nhiệm vụ nâng cao năng lực của phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; bố trí đủ cán bộ quản lý có năng lực; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho cán bộ quản lý dạy nghề các cấp;
- Tuyển dụng, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên dạy nghề, đảm bảo quy định về tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên quy đổi;
- Tổ chức tốt công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm cho giáo viên dạy nghề, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề nhằm nâng dần tỷ lệ giáo viên dạy nghề có khả năng dạy cả lý thuyết và thực hành;
- Triển khai hiệu quả công tác tập huấn hướng dẫn giảng dạy theo chương trình khung đào tạo nghề đã được ban hành;
- Nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành nghề và thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề;
- Phát huy kết quả Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2009, tiếp tục tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề cấp cơ sở, cấp tỉnh, hướng tới hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012 với những nội dung, hình thức mới theo hướng tăng cường số lượng bài giảng tích hợp;
- Tổ chức tốt hội thi thiết bị tự làm các cấp để nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường tính sáng tạo của giáo viên dạy nghề và chuẩn bị cho việc tổ chức hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc năm 2010;
- Các Thầy giáo, Cô giáo trong các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt nhiệm vụ tự học – tự nghiên cứu, thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để tham khảo các tài liệu khoa học của nước ngoài, cập nhật kiến thức khoa học hiện đại phục vụ cho quá trình dạy học.
4. Đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề
- Dựa trên các quy định hiện hành về chương trình khung, tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến của các cơ sở dạy nghề khác trong nước và quốc tế, các cơ sở dạy nghề xây dựng, hoàn thiện, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu đa dạng của xã hội, gắn đào tạo với việc làm của người lao động.
- Thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển giáo trình, tài liệu, đảm bảo 100% các môn học/mô đun có giáo trình, tài liệu.
5. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng dạy nghề
Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm dạy nghề theo kịp với thực tế sản xuất; sử dụng có hiệu quả vốn tự có, các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án và các nguồn tài trợ để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị dạy nghề.
6. Tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp
- Phối hợp với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên;
- Tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề và người học nghề tham quan, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tế sản xuất;
- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên.
7. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức học tập chuyên đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Đối với giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, trọng tâm việc học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rèn luyện tư cách, phẩm chất nhà giáo và cán bộ quản lý dạy nghề; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; chấp hành pháp luật; không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và giảng dạy; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; phương châm: “Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý dạy nghề là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, hết lòng tận tụy vì học sinh và sự nghiệp dạy nghề”. Đối với học sinh, sinh viên, trọng tâm cuộc vận động là tăng cường ý thức và ý chí học tập vì đất nước, vì bản thân; tu dưỡng đạo đức, tuân thủ pháp luật của Nhà nước và nội quy cơ sở dạy nghề; tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện.
8. Công tác học sinh, sinh viên học nghề
- Phổ biến, quán triệt các chính sách và chế độ của Nhà nước, các thông tư, chỉ thị, nội quy, quy chế đến học sinh, sinh viên; cụ thể hóa các văn bản liên quan đến học sinh, sinh viên thành chương trình hành động.
- Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh; phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy, HIV/AIDS; xây dựng nếp sống văn hóa trường học nhằm tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục – đào tạo toàn diện.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua học tốt; khuyến khích học sinh, sinh viên nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành nghề; tích cực tham gia các hội thi tay nghề, chuẩn bị cho Hội thi tay nghề quốc gia và Hội thi tay nghề ASEAN năm 2010 đạt kết quả cao.
- Có biện pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản hướng dẫn thực hiện đến hộ gia đình học sinh, sinh viên.
9. Triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm sự nghiệp dạy nghề
- Hưởng ứng phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 40 năm sự nghiệp dạy nghề (9/10/1969 – 9/10/2009);
- Tổng kết, đánh giá và biểu dương các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển dạy nghề thông qua hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học dạy nghề, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới dạy nghề.
Chỉ thị này được phổ biến tới cơ quan quản lý dạy nghề các cấp, các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề, các cơ sở dạy nghề để quán triệt và thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Quyết định 09/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010" Ban hành: 11/01/2005 | Cập nhật: 29/07/2011