Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: 01/2013/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng Người ký: Nguyễn Trung Hiếu
Ngày ban hành: 06/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2013/CT-UBND

Sóc Trăng, ngày 06 tháng 6 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, từng bước đi vào nề nếp và hoạt động tương đối có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do một số sở ngành và địa phương chưa xem tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là công tác thường xuyên; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là ở những vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc,…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) thực hiện một số công tác trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 409/QĐ-TTg , ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; các Chương trình, Đề án về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và giai đoạn trên địa bàn tỉnh.

2. Quan tâm củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Báo cáo viên cấp tỉnh, huyện; đội ngũ cán bộ pháp chế các Sở ngành, Doanh nghiệp Nhà nước và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong các trường học; các phóng viên, biên tập viên chuyên đề pháp luật; hòa giải viên… để nâng cao hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng này trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo hiệu quả và thiết thực cho cán bộ và nhân dân; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác phổ biến pháp luật theo chuyên đề và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

4. Phổ biến thường xuyên, kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, các nội dung pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày cho các đối tượng, phù hợp với từng địa bàn; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng; kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác hòa giải ở cơ sở với các cuộc vận động, phong trào quần chúng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động.

5. Nâng cao chất lượng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị và xã, phường, thị trấn; biên soạn và phát hành các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật như sách tìm hiểu pháp luật, cẩm nang pháp luật, giải đáp pháp luật, sổ tay pháp luật... Đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động như: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động văn hóa, văn nghệ,…

6. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” đảm bảo chất lượng, hiệu quả với nội dung, hình thức phù hợp theo Quyết định số 208/QĐ-UBND, ngày 28/10/2010 của UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ tháng 7/2013, lấy ngày 09 hàng tháng để sinh hoạt “Ngày pháp luật”; nếu trùng vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết thì được chuyển sang ngày làm việc hôm sau.

7. Đối với Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh:

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục do cơ quan, đơn vị quản lý. Đối với các Sở, ngành đã thành lập Phòng Pháp chế, Thủ trưởng các Sở, ngành quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì thực hiện các Chương trình, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật chủ động phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và thời gian theo quy định.

a) Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng:

Tăng cường thực hiện có hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật với hình thức sinh động, phong phú; lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào hoạt động của các Đội văn hóa thông tin cơ sở, Trung tâm văn hóa thông tin, Nhà văn hóa…

Khi thực hiện giao ban báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh để thông báo các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh được ban hành, trong đó nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm pháp luật để nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu và chấp hành tốt. Thực hiện việc kiểm tra các Cổng thông tin điện tử của các ngành, các cấp, đảm bảo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên các Cổng thông tin điện tử.

b) Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học; định kỳ tổ chức bồi dưỡng pháp luật và phương pháp giảng dạy môn giáo dục công dân, pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong các trường học. Nghiên cứu, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào Quy chế thi đua, khen thưởng ở các trường; hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên, giáo viên vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật giao thông.

c) Đối với Sở Tư pháp:

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu kiện toàn đội ngũ pháp chế theo Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật; từ nay đến năm 2014, phấn đấu đạt chỉ tiêu có ít nhất 70% đội ngũ cán bộ pháp chế đồng thời là báo cáo viên pháp luật.

Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; vận động các tổ chức đoàn thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện.

Củng cố, kiện toàn lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó chú trọng phát triển lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là người dân tộc Khmer, nhằm tạo nguồn cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng này; biên soạn các loại tài liệu pháp luật để cấp phát miễn phí cho các đối tượng.

d) Đối với Sở Tài chính:

Có trách nhiệm hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định. Đồng thời hướng dẫn cơ quan tài chính các địa phương bố trí ngân sách đảm bảo phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ) Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức hành nghề pháp luật thực hiện Điều 29, 30 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

8. Đối với UBND cấp huyện, cấp xã:

a) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên về kết quả thực hiện phổ biến giáo dục tại địa phương. Trong giai đoạn 05 năm (từ 2013 - 2017), phấn đấu tỷ lệ về tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, ngày 04/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đạt được như sau:

- Đến năm 2015: Có 50% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Đến năm 2017: Có 70% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

b) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện; phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan thành viên Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo lĩnh vực; quan tâm những địa bàn còn nhiều khó khăn; tăng cường vai trò thường trực Hội đồng của cơ quan Tư pháp.

c) Chỉ đạo và tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại địa phương hoạt động có hiệu quả. Đảm bảo các điều kiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả tại địa phương.

d) Quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt hoạt động của tổ hòa giải cơ sở, giải quyết kịp thời các vi phạm, tranh chấp ngay từ cơ sở qua đó duy trì sự đoàn kết trong nhân dân, hạn chế tranh chấp, khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn hoặc báo cáo UBND tỉnh.

Giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Sở ngành tỉnh;
- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn;
- Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- UBND cấp xã;
- Lưu: NC, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hiếu