Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: | 01/2013/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hậu Giang | Người ký: | Trần Công Chánh |
Ngày ban hành: | 22/01/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2013/CT-UBND |
Vị Thanh, ngày 22 tháng 01 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) từng bước đi vào nề nếp, kịp thời đôn đốc, tổ chức, hướng dẫn đánh giá thực trạng, hiệu quả việc thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa thường xuyên, liên tục, toàn diện, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa cao. Đồng thời, việc bố trí biên chế, kinh phí ở một số cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác này chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Để tổ chức thực hiện tốt các quy định liên quan đến công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và lĩnh vực được phân công. Có trách nhiệm bố trí, chỉ đạo Phòng pháp chế, cán bộ công chức pháp chế thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP .
b) Tăng cường thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật do cơ quan, đơn vị mình quản lý; gắn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức; đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
c) Tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp.
d) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực do mình quản lý gửi Sở Tư pháp tổng hợp theo quy định.
2. Sở Tư pháp:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh theo quy định.
b) Hàng năm, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, trong đó lựa chọn lĩnh vực trọng tâm để điều tra, khảo sát, kiểm tra. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật theo kế hoạch đã đề ra và yêu cầu của cơ quan Nhà nước cấp trên.
c) Đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo đúng quy định.
d) Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện. Đồng thời, mở chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Sở.
3. Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hợp lý cho Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị để đảm bảo cho việc đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, bố trí biên chế cho các đơn vị có liên quan đảm bảo thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh kịp thời đưa tin, bài, tăng thời lượng phát sóng, tổ chức các chuyên mục giới thiệu, tuyên truyền Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật.
6. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo nội dung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp chung báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp).
b) Hàng năm, xây dựng Kế hoạch điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với thực tế địa phương.
c) Ban hành những văn bản để đôn đốc các phòng, ban chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện những văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
d) Mở chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố.
7. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.
8. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với nội dung Chỉ thị này đều được bãi bỏ.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện nếu các cơ quan, đơn vị, địa phương có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để kịp thời chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 59/2012/NĐ-CP theo dõi tình hình thi hành pháp luật Ban hành: 23/07/2012 | Cập nhật: 25/07/2012
Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế Ban hành: 04/07/2011 | Cập nhật: 05/07/2011
Thông tư 03/2010/TT-BTP hướng dẫn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật Ban hành: 03/03/2010 | Cập nhật: 09/03/2010