Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: 01/2013/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Lê Dũng
Ngày ban hành: 16/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2013/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 16 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thời gian qua, Thủ trưởng các ngành, các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm; công tác tiêm phòng dịch bệnh được duy trì; kịp thời phát hiện các ổ dịch và thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt, không để lây lan ra diện rộng; ý thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số hộ chưa cao, còn chủ quan, lơ là; một số lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt nên để xảy ra dịch bệnh tái phát trên địa bàn. Việc kiểm soát thú y, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm còn gặp nhiều khó khăn và chưa chặt chẽ. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh cúm gia cầm gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng, hội nghề nghiệp cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh công tác triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A (H1N1, H5N1, H7N9) trên gia cầm, chấp hành tốt quy định của Nhà nước về bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh; không mua bán, sử dụng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa được cơ quan thú y kiểm dịch; tự giác khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện gia cầm bị bệnh, chết.

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chăn nuôi, mua, bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; cụ thể như sau:

a) Không nuôi gia cầm và buôn bán gia cầm sống trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư tập trung.

b) Trường hợp nuôi gia cầm tập trung (kể cả nuôi công nghiệp và bán công nghiệp): Địa điểm nuôi không thuộc khu vực cấm nuôi và cách xa khu dân cư, nhà ở của dân, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học và nơi công cộng ít nhất 100 mét; có hàng rào bao quanh; có công trình xử lý nước thải, chất thải và xác gia cầm chết đúng quy định; sử dụng con giống có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất đã công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.

Đối với trường hợp nuôi dưới 50 con: Địa điểm nuôi không thuộc khu vực cấm nuôi và phải tách rời nơi công cộng, nơi làm việc, nhà ở; không nuôi chung với gia súc, đồng thời phải có biện pháp quản lý chặt chẽ gia cầm.

c) Thực hiện khai báo với cơ quan có thẩm quyền để quản lý, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, như sau:

- Nuôi từ 1.000 con trở lên, khai báo với Chi cục Thú y tỉnh.

- Nuôi từ 200 con đến dưới 1.000 con, khai báo với Trạm thú y cấp huyện.

- Nuôi từ 50 con đến dưới 200 con, khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Nuôi dưới 50 con, khai báo với trưởng ấp, khóm.

d) Những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định tại điểm a, b, c nêu trên sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy kiểm dịch gia cầm, giấy kiểm dịch sản phẩm gia cầm khi xuất bán và không được hỗ trợ của Nhà nước khi gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh cúm gây ra.

e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển giống gia cầm phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y; con giống đưa vào lưu thông phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống đã công bố và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y có thẩm quyền.

f) Việc mua, bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải đúng nơi quy định; đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh theo quy định của cơ quan chức năng; chỉ được mua, bán gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng; đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập tỉnh phải được cơ quan Thú y kiểm dịch trước khi đưa vào tỉnh.

g) Tuyệt đối không vứt xác gia cầm bệnh, chết xuống sông, kênh rạch, ao hồ và nơi công cộng; chất thải, nước thải trong chăn nuôi phải được xử lý đúng quy định của Nhà nước.

3. Việc mua, bán, vận chuyển các loại chim và sản phẩm của chúng (chim cút, bồ câu, chim cảnh,…), áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh tương tự như gia cầm. Đối với việc nuôi chim yến, thực hiện theo Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Khi Trung ương có quy định khác, thực hiện theo quy định của Trung ương.

4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh) chủ động tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh và đề phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người; chỉ đạo đơn vị trực thuộc có liên quan kiểm tra, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, xử lý nghiêm vi phạm trong chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch địa bàn chăn nuôi tập trung, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh.

5. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A trên người. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

6. Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc sắp xếp các điểm mua, bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua, bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng quy định hiện hành.

7. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, lái xe, lái tàu không vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch hoặc vận chuyển chung với các hàng hóa khác; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định hiện hành.

8. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên ngành tích cực tham gia các đoàn kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, các phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, chống đối người thi hành công vụ theo quy định.

9. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Thủ trưởng các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh chủ động phối hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, diễn biến của dịch bệnh cúm gia cầm và công tác phòng, chống để nhân dân nắm thông tin và chủ động phòng, tránh. Thông tin đưa lên phương tiện thông tin đại chúng phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, nhằm tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:

a) Quy định cụ thể vị trí, ranh giới các khu vực cấm nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; đồng thời công bố và hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện theo đúng quy định.

b) Phối hợp với Giám đốc Sở Công Thương tổ chức sắp xếp các điểm mua, bán gia cầm, sản phẩn gia cầm tại các chợ trên địa bàn quản lý, theo đúng quy định về đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

c) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý chặt chẽ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn; ngăn chặn đàn vịt chạy đồng di chuyển vào địa bàn quản lý đối với trường hợp không có sổ theo dõi vịt chạy đồng hoặc đàn vịt không được tiêm phòng đầy đủ; thống kê, cập nhật danh sách các hộ nuôi gia cầm, chim yến, bồ câu,…; phối hợp với ngành Thú y kịp thời phát hiện, xử lý gia cầm, chim nuôi bị bệnh, chết bất thường; thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các chợ.

11. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ và đột xuất. Thủ trưởng các cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và báo cáo kịp thời kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp chung.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 07/2006/CT-UBND ngày 15/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Ban của Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các hội nghề nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Cà Mau;
- Báo, Đài, CTTĐT tỉnh (đăng, phát nội dung);
- Công báo tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- PNN-NĐ (T);
- Lưu: VT, Ktr03.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Dũng