Chỉ thị 01/2008/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số hiệu: 01/2008/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Trần Khiêu
Ngày ban hành: 25/04/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2008/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 25 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn; kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh được ngành thủy sản, các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh có hại đến sức khỏe người tiêu dùng tại chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu đến chế biến thủy sản; kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản tại các cảng cá, bến cá, chợ cá, tàu cá, cơ sở thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến thủy sản; chứng nhận vùng và cơ sở nuôi an toàn, chứng nhận xuất xứ sản phẩm nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ; ý thức của các chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản còn hạn chế. Mặt khác, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của các thị trường trên thế giới ngày càng nghiêm ngặt.

Để tăng cường công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu, tránh tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị từ chối, trả hàng hoặc buộc phải tiêu hủy do phát hiện dư lượng các loại hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng thủy sản của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới và khu vực, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

a) Tiếp tục triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn; Quyết định số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17 tháng 5 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi và các quy định hiện hành có liên quan trên địa bàn tỉnh;

b) Tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch chợ cá, cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản, vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh;

c) Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, tác hại của các loại hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đưa tin và hình ảnh về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Tổ chức thực hiện việc kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn và chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định tại Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản;

đ) Tổ chức kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản tại các cơ sở kinh doanh thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn nuôi thủy sản, các hộ nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh; kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cảng cá, bến cá, chợ cá, tàu cá, cơ sở thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản; kiểm tra và chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh;

e) Thực hiện tốt việc thu mẫu kiểm soát dư lượng kháng sinh tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, các cảng cá, bến cá, chợ cá, tàu cá, cơ sở thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu và chế biến thủy sản; thực hiện tốt Chương trình kiểm soát dư lượng trong tôm sú nuôi, cá tra và nhuyễn thể hai mảnh vỏ để kịp thời phát hiện và cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản;

g) Thực hiện việc thu mẫu thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh để kiểm tra lại thành phần, công dụng,... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về đăng ký lưu hành, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, hạn sử dụng, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong hoạt động thủy sản theo quy định;

h) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản và việc sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, nuôi trồng, nguyên liệu thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; đồng thời biểu dương khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt;

i) Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản; hướng dẫn các chủ cơ sở nuôi thủy sản kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào của quá trình nuôi và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch;

k) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh về: Quy phạm thực hành quản lý tốt hơn (BMP), Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm trong nuôi trồng thủy sản (CoC); trên cơ sở đó, khuyến khích người nuôi đăng ký áp dụng để phát triển vùng nuôi và tăng nhanh sản phẩm nuôi được chứng nhận BMP, GAP, CoC.

2. Sở Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện khoản 7 mục II Thông tư liên tịch số 24/2005/TTLT-BYT-BTS ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Y tế - Bộ Thủy sản về hướng dẫn phân công, phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh;

b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thực hiện tốt việc kiểm tra chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Các Sở: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lưu hành, sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, kinh doanh nguyên liệu thủy sản;

b) Tăng cường kiểm tra quy trình xử lý nước thải, nước thải và chất thải tại các vùng nuôi thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh địa phương về các chính sách, pháp luật có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, tác hại của các loại hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản;

b) Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản, kinh doanh nguyên liệu thủy sản trên địa bàn quản lý;

c) Chỉ đạo Phòng Nông nghiêp - Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc quản lý các hoạt động thủy sản trên địa bàn.

5. Hội nghề cá, Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

a) Tổ chức tuyên truyền, tư vấn đối với các tổ chức, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng ý thức cộng đồng về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản trong toàn bộ chuỗi sản xuất nhằm để tạo ra môi trường, chất lượng sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt các yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu;

b) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, tập huấn nhằm tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản.

6. Các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản:

a) Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản của toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng các loại hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng; phải có hồ sơ theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện và lưu trữ để dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi cần thiết;

b) Không được sản xuất, lưu thông và sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản;

c) Tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu thủy sản không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào chế biến;

d) Chấp hành nghiêm các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

7. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng, 01 năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Khiêu