Chỉ thị 01/2008/CT-UBND về tăng cường công tác xuất khẩu lao động do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu: | 01/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bến Tre | Người ký: | Võ Thành Hạo |
Ngày ban hành: | 30/01/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2008/CT-UBND |
Bến Tre, ngày 30 tháng 01 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007;
Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Xuất khẩu lao động là một trong những chương trình kinh tế-xã hội lớn có tính lâu dài. Ngoài ý nghĩa là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo nhanh nhất hiện nay thì xuất khẩu lao động còn được coi là biện pháp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Bến Tre.
Qua hơn bốn năm thực hiện công tác xuất khẩu lao động, toàn tỉnh có trên 3.500 lao động được xuất khẩu sang nước ngoài làm việc, trong đó số ao động sang làm việc tại Nhật và Hàn Quốc chiếm gần 40%, Đài Loan 6%, Malaysia khoảng 48%, còn lại là các nước khác. Số lao động đi làm việc ngoài nước của tỉnh ta thời gian qua tuy chưa nhiều nhưng đã tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân nói chung, người lao động nói riêng đã được tác động thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu để tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, tiếp cận kỷ luật lao động công nghiệp, nhờ xuất khẩu lao động đã tạo được việc làm có thu nhập cao, ổn định, tăng hệ số việc làm tại địa phương, tạo thu nhập tích lũy vốn cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây vì nhiều nguyên nhân, số lượng lao động tham gia xuất khẩu đã giảm dần mà đặc biệt là tại thị trường Malaysia, trong khi thị trường này đã được xác định là thị trường để xóa đói giảm nghèo và không hạn chế số lượng người đi. Từ thực tế trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
a) Tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 126/2007/NĐ-CP , ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đưa chỉ tiêu xuất khẩu lao động thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.
b) Ủy ban nhân dân các cấp phải chủ trì phối hợp với ngành Lao động Thương binh - Xã hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích và những lợi ích từ xuất khẩu lao động mang lại. Trực tiếp đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, đặc biệt là dân nghèo khi tham gia xuất khẩu lao động. Sử dụng người thật, việc thật trong tuyên truyền vận động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
c) Chỉ đạo cho các cơ quan chức năng làm rõ đối với những cá nhân cung cấp thông tin thiếu trung thực gây hoang mang trong dư luận quần chúng về xuất khẩu lao động.
d) Tạo điều kiện và ưu tiên trong việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng phải chọn những cá nhân có đạo đức tốt, chí thú làm ăn.
đ) Định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác xuất khẩu lao động và thường xuyên phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) để theo dõi, chỉ đạo uốn nắn kịp thời.
2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo, tập huấn để giới thiệu về công tác xuất khẩu lao động cho Ủy ban nhân dân huyện, thị, xã, phường, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và cán bộ của ngành để chủ động tuyên truyền và hướng dẫn người dân.
a) Tiếp tục quan hệ với các đối tác để nâng cao chỉ tiêu xuất khẩu lao động ở các thị trường có thu nhập cao, đồng thời có kế hoạch từng bước nâng dần tỉ lệ lao động có tay nghề khi tham gia xuất khẩu. Chọn lọc doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, có trách nhiệm để hạn chế những rủi ro; từng bước mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lao động phù hợp với điều kiện của người dân trong tỉnh.
b) Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành ở các Trung tâm giới thiệu việc làm, để phòng ngừa tình trạng lừa gạt người lao động, ảnh hưởng đến phong trào chung. Phối hợp tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giải quyết những phát sinh, tranh chấp hợp đồng lao động xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, với mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nhất là người nghèo. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho người lao động cung cấp cho cơ quan Công an đơn thư tố giác, thông tin khác… liên quan đến các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước trên địa bàn có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
c) Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đào tạo ngoại ngữ, đào tạo tay nghề cho người lao động phù hợp với yêu cầu tiếp nhận lao động ở từng quốc gia. Chú trọng công tác giáo dục định hướng, giáo dục luật pháp Việt Nam, luật pháp, phong tục tập quán của quốc gia mà người lao động đến làm việc.
d) Tiếp tục xem xét và đề xuất các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với người nghèo, hộ cận nghèo khi tham gia xuất khẩu lao động.
đ) Thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp những gương điển hình cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền thực hiện tốt Chỉ thị nầy. Báo cáo kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
3. Công an tỉnh tiếp tục ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động làm hộ chiếu trong thời gian sớm nhất. Chỉ đạo cho Công an các cấp có biện pháp giáo dục đối với những lao động vi phạm hợp đồng về nước trước hạn và thông tin sai sự thật. Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đấu tranh ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lừa gạt trong xuất khẩu lao động.
4. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Trung ương phân bổ cho công tác xuất khẩu lao động. Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chính sách hỗ trợ vốn vay đối với các đối tượng ngoài quy định của Ngân hành Chính sách xã hội Việt Nam. Xem xét đề xuất phương án xử lý vốn vay đối với những rủi ro trong xuất khẩu lao động.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hướng nghiệp phù hợp cho học sinh cuối cấp Phổ thông trung học trong tỉnh, trong đó cần chú trọng đặc biệt đến công tác xuất khẩu lao động. Nghiên cứu cơ chế, chính sách và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định khuyến khích các cá nhân và tổ chức mở nhiều loại hình đào tạo và đa dạng về ngoại ngữ cho người dân trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài nước.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi thường xuyên cập nhật thông tin xây dựng phóng sự, chuyên trang giới thiệu về những cá nhân thành đạt thông qua xuất khẩu lao động, những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị này nhằm tuyên truyền cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đối với công tác xuất khẩu lao động.
7. Sở Tài chính cân đối kinh phí hàng năm và phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, gia đình chính sách người có công, bộ đội xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự tham gia đi xuất khẩu lao động, bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, tinh thần Chỉ thị này đến mọi người dân trong tỉnh.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác xuất khẩu lao động, mạnh dạn vận động con em trong đoàn thể mình tham gia.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành Ban hành: 08/10/2007 | Cập nhật: 18/10/2007
Nghị định 144/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Ban hành: 10/09/2007 | Cập nhật: 18/09/2007
Nghị định 126/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng Ban hành: 01/08/2007 | Cập nhật: 08/08/2007