Chỉ thị 01/2004/CT-TTg về chấn chính hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô
Số hiệu: | 01/2004/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 02/01/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/01/2004 | Số công báo: | Số 7 |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 2004 |
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH LIÊN TỈNH BẰNG Ô TÔ
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, hoạt động vận tải đường bộ nói chung, vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Danh sách các tuyến vận tải khách và bến xe ô tô khách trong cả nước đã được công bố rộng rãi. Các doanh nghiệp vận tải khách đã đầu tư nhiều phương tiện mới, chất lượng tốt thay thế cho các phương tiện cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân, được dư luận xã hội hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, trong vận tải khách liên tỉnh vẫn còn một số tồn tại: việc quản lý nhiều bến xe còn buông lỏng; một số tổ chức, cá nhân tự lập điểm đón, trả khách (bến cóc); nhiều xe chạy tùy tiện, lòng vòng đón, trả khách ngoài bến (xe dù). Không ít các hiện tượng chèn ép giá, tranh giành khách; tự ý sang nhượng khách cho xe khác dọc đường không được sự đồng ý của khách (bán khách); xe chở quá tải khách phải đứng, ngồi chen chúc, bị lèn lẫn với hàng hóa (lèn khách); chủ xe thông đồng với nhà hàng bắt khách phải ăn cơm giá đắt, nếu khách không ăn thì bị lăng mạ, thậm chí bị hành hung (cơm tù); xe khách vận chuyển chất cháy, nổ..., đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng và dư luận bất bình trong xã hội.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác quản lý nhà nước về vận tải và trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót: một số Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh; chưa tổ chức thực hiện, làm đúng và đầy đủ chức năng quản lý nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành; các lực lượng kiểm tra, kiểm soát chưa phối hợp hoạt động một cách chặt chẽ, thường xuyên và xử lý chưa nghiêm đối với hành vi vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật chưa được chú trọng.
Để duy trì, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, nhanh chóng lập lại trật tự và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các biện pháp bảo đảm vận tải an toàn:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng phương án chấn chỉnh và lập lại trật tự trong vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trên tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với Bộ Công an trong việc kiểm tra an ninh, an toàn vận tải.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Trong năm 2004 hoàn thành đề án xác định vị trí các trạm nghỉ cho xe ô tô và khách đi xe trên các quốc lộ; xây dựng thí điểm một số trạm nghỉ trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ra trên mạng lưới quốc lộ.
+ Khẩn trương hoàn thành việc cắm biển dừng, đỗ xe đón, trả khách trên tất cả các tuyến quốc lộ.
+ Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, quản lý các bến xe, trạm nghỉ; khắc phục hiện tượng cát cứ cục bộ của các địa phương trong hoạt động vận tải khách liên tỉnh
b) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quản lý vận tải khách liên tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các văn bản này.
2. Bộ Công an:
a) Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát thường xuyên kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận tải khách bằng ô tô, trong đó lưu ý kiểm tra việc chuyên chở chất cháy nổ trên xe; kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động vận tải nêu tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ.
b) Tổ chức kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ của các lực lượng cảnh sát làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi tiêu cực.
c) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng và triển khai thực hiện phương án chấn chỉnh và lập lại trật tự trong vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô.
3. Bộ Văn hóa - Thông tin:
Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền đối với các loại hình văn hóa nghệ thuật và trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật giao thông nói chung và hoạt động vận tải khách liên tỉnh nói riêng; cổ vũ biểu dương kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, có nhiều thành tích; phê phán cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành chưa tốt.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể về công tác giáo dục tư tưởng và tăng cường pháp luật giao thông trong trường học đối với học sinh, sinh viên.
b) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các kỳ thi và các kỳ nghỉ lễ, tết, nghỉ hè của học sinh, sinh viên.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chỉ đạo và tiến hành mọi biện pháp cần thiết để lập lại trật tự kỷ cương, an toàn giao thông ở địa phương; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật:
a) Năm 2004 công bố quy hoạch mạng lưới bến xe, bảo đảm đủ số lượng bến xe theo tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu đi lại của khách.
b) Có biện pháp hữu hiệu trong việc tổ chức quản lý các bến xe, dịch vụ tại các trạm nghỉ trên tuyến vận tải khách thuộc địa bàn của tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
c) Củng cố, hoàn thiện về mặt tổ chức đối với các cơ quan quản lý hoạt động vận tải tại địa phương theo hướng là cơ quan chuyên trách, bố trí đủ cán bộ chuyên môn nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải.
d) Có biện pháp kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải cũng như các cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi tiêu cực trong quản lý vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô trên địa bàn tỉnh, thành phố, bao gồm cả đối với việc cấp đăng ký kinh doanh vận tải khách, để xẩy ra tình trạng "xe dù", "bến cóc", "cơm tù", chèn ép giá, "lèn khách", "bán khách"....
đ) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo về quản lý vận tải khách, quy định về quản lý vận tải khách cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu; không ngừng nâng cao trình độ cho các đơn vị, cá nhân làm công tác vận tải khách, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách.
6. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô:
Có trách nhiệm giáo dục đội ngũ lái xe, phụ xe chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và các quy định có liên quan khi tham gia giao thông; xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các lái xe thuộc quyền.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan lập Ban Chỉ đạo để điều hành, phối hợp hoạt động trong tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Quán triệt Chỉ thị này, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch giải quyết các vấn đề cụ thể, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc chấn chỉnh và lập lại trật tự trong vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô.
Các Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 02 năm 2004 về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Nghị định 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ Ban hành: 19/02/2003 | Cập nhật: 17/09/2012