Công văn 91/TANDTC-PC năm 2017 xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: 91/TANDTC-PC Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Sơn
Ngày ban hành: 28/04/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hình sự, Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/TANDTC-PC
V/v xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa.

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

 

Tòa án nhân dân tối cao nhận được ý kiến phản ánh của nhiều Tòa án nhân dân về vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa. Về vấn đề này, sau khi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-06-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07-5-2009) thì “các loại pháo” thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 (Luật đầu tư năm 2014) thì “kinh doanh các loại pháo” thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 4 Luật đầu tư năm 2014). Luật này có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2015.

Ngày 22-11-2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014 (Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2014), trong đó có bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6). Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017.

Để áp dụng đúng và thống nhất quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao khi giải quyết các vụ án tàng trữ, vận chuyển buôn bán pháo nổ trong nội địa cần lưu ý:

Kể từ ngày 01-7-2015 (ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến ngày 01-01-2017 (ngày Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành), không xác định pháo nổ là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (Bộ luật hình sự năm 1999):

1. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khi miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ trong bản án lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự; người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn toàn bộ hình phạt; trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Những người đã chấp hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.

2. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2015 đến 0 giờ 00 ngày 01-01-2017, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và các quy định pháp luật có liên quan để tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm rà soát, báo cáo ngay người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án theo quy định của pháp luật.

3. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-01-2017 thì tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 19-01-2017 của Tòa án nhân dân tối cao.

4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định về việc miễn trách nhiệm hình sự, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển bản án, quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, ngay sau khi nhận được Công văn này cần triển khai thực hiện nghiêm túc đế bảo đảm việc xét xử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội nhưng đồng thời phải bảo đảm không để xảy ra oan, sai trong xét xử. Đối với những vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố thì Chánh án Tòa án nơi điều tra, truy tố chủ động phối hợp với Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Ủy ban thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Chính phủ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);
- Các Phó Chánh án TANDTC (để biết);
- Các Thẩm phán TANDTC (để biết);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Sơn

 

 

Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

*Khoản này được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 2 Luật 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư:

1. Bổ sung điểm g vào khoản 1 Điều 6 như sau:

“g) Kinh doanh pháo nổ.”;*

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
PHỤ LỤC 4 DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Xem nội dung VB
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

*Khoản này được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 2 Luật 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư:

1. Bổ sung điểm g vào khoản 1 Điều 6 như sau:

“g) Kinh doanh pháo nổ.”;*

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Xem nội dung VB
Điều 155. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Xem nội dung VB
Điều 25. Miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Xem nội dung VB
Điều 63. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính

1. Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến.

Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.

Xem nội dung VB