Công văn 3860/TCT-KK năm 2017 về vướng mắc khi thực hiện công văn số 716/TCT-KK
Số hiệu: 3860/TCT-KK Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Thuế Người ký: Nguyễn Đại Trí
Ngày ban hành: 25/08/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3860/TCT-KK
V/v vướng mắc khi thực hiện công văn số 716/TCT-KK ngày 03/3/2017 của Tổng cục Thuế

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2017

 

Kính gửi:

- Cục Thuế tỉnh Đồng Nai;
- Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng;

Trả lời công văn số 2210/CT-KK&KTT đề ngày 29/5/2017 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng vướng mắc khi thực hiện công văn số 716/TCT-KK ngày 03/3/2017 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ các hướng dẫn tại:

- Điểm 1 Phần D Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008; Điều 20 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nơi khai, nộp thuế GTGT;

- Điểm 1.II Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007; Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế GTGT;

- Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế TNDN.

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên và theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tại công văn số 2210/CT-KK&KTT ngày 29/5/2017, báo cáo của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai tại công văn số 5770/CT-KK&KTT ngày 11/7/2017, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra, xác minh lại tình hình hoạt động kinh doanh và kê khai, nộp thuế của Chi nhánh Công ty TNHH Mercafe Việt Nam tại Lâm Đồng (sau đây gọi là Chi nhánh Lâm Đồng) theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn số 716/TCT-KK ngày 03/3/2017 để làm cơ sở xác định phương thức kê khai và nộp thuế của Chi nhánh Lâm Đồng.

+ Trường hợp qua kết quả kiểm tra xác định Chi nhánh Lâm Đồng là cơ sở sản xuất trực thuộc, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, không thực hiện hạch toán kế toán thì: Công ty TNHH Mercafe Việt Nam thực hiện khai thuế GTGT tại trụ sở chính và nộp thuế cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Nếu Công ty không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Công ty thực hiện khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại trụ sở chính và tại Chi nhánh Lâm Đồng. Số thuế TNDN tính nộp ở Lâm Đồng được xác định bằng số thuế TNDN phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của Chi nhánh Lâm Đồng với tổng chi phí của Công ty theo hướng dẫn tại khoản 7 Điều 11 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế TNDN.

+ Trường hợp qua kết quả kiểm tra xác định Chi nhánh Lâm Đồng là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Mercafe Việt Nam, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, không phát sinh hoạt động sản xuất mà chỉ thu mua cafe hạt phục vụ cho sản xuất tại nhà máy Đồng Nai và sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính ở Đồng Nai.

Trên cơ sở xác định loại hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của Chi nhánh Công ty TNHH Mercafe Việt Nam tại Lâm Đồng, đề nghị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng xác định lại nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của Chi nhánh Lâm Đồng. Trường hợp Chi nhánh Lâm Đồng nộp thiếu tiền thuế thì yêu cầu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, trường hợp nộp thừa thì đề nghị Cục Thuế Lâm Đồng xử lý số nộp thừa theo quy định tại Điều 47 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế).

Tổng cục Thuế trả lời để các Cục Thuế được biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ KTNB, CS, PC, Thanh tra;
- Website TCT;
- Lưu: VT, KK (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Đại Trí

 

 

D. NƠI NỘP THUẾ

Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh. Việc khai thuế, nộp thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

Một số trường hợp cụ thể, việc khai thuế, nộp thuế GTGT và thủ tục luân chuyển chứng từ được hướng dẫn như sau:

1. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế GTGT tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính.

Cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi xuất bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hoá đơn GTGT làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất.

Trường hợp cơ sở sản xuất phụ thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì người nộp thuế tại trụ sở chính phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất. Số thuế GTGT người nộp thuế đã nộp cho cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được trừ vào số thuế GTGT phải nộp của người nộp thuế tại địa phương nơi đóng trụ sở chính.

Ví dụ 26: Doanh nghiệp A đóng trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT với thuế suất 10%. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán. Do đó, hàng tháng doanh nghiệp A có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế GTGT cho cơ sở hạch toán phụ thuộc theo tỷ lệ 2% trên doanh thu theo giá bán cchưa có thuế GTGT đối với hàng hoá do cơ sở sản xuất phụ thuộc tại Bà Rịa-Vũng Tàu sản xuất. Số thuế GTGT đã nộp cho cơ sở hạch toán phụ thuộc được trừ vào số thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp A tại TP Hồ Chí Minh.

Xem nội dung VB
Điều 20. Nơi nộp thuế.

1. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.

2. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế GTGT tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính.

3. Việc khai thuế, nộp thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

Xem nội dung VB
Phần B. KHAI THUẾ, TÍNH THUẾ
...
II. Khai thuế giá trị gia tăng

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế:

1.1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

1.2. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh cùng nơi người nộp thuế có trụ sở chính: nếu đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc.

Nếu đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra muốn kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng, cấp mã số thuế phụ thuộc và sử dụng hóa đơn riêng.

1.3. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.

1.4. Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho chi cục thuế quản lý địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai đó.

1.5. Trường hợp người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, khí v.v., không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp huyện thì người nộp thuế khai thuế giá trị gia tăng của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tại trụ sở chính.

Xem nội dung VB
Điều 10. Khai thuế giá trị gia tăng

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế:

a) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

b) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc.

Nếu đơn vị trực thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke.

c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.

d) Trường hợp người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì:

Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất.

Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Trường hợp tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc do người nộp thuế xác định theo nguyên tắc nêu trên lớn hơn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính thì người nộp thuế tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc như sau: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm do cơ sở trực thuộc sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp. Nếu người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì người nộp thuế không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Người nộp thuế phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư này cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới các cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ sở sản xuất trực thuộc.

Căn cứ số thuế giá trị gia tăng được phân bổ giữa địa phương nơi đóng trụ sở chính của người nộp thuế và các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.

Ví dụ 1: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 8/2011: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là: 500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là: 600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là: 25 triệu – 10 triệu - 12 triệu = 3 triệu đồng.

Ví dụ 2: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 9/2011: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hà Nội là 200 triệu.

Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.

Theo nguyên tắc tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hoá chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng và Hưng Yên là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:

20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:

20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là: 20 triệu - 7.69 triệu - 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.

Ví dụ 3: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 10/2011: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 500 triệu. Tháng 10/2011, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Hải Phòng và Hưng Yên.

e) Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho Chi cục Thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai đó.

g) Trường hợp người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí v.v., không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp huyện thì người nộp thuế khai thuế giá trị gia tăng của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tại trụ sở chính.

Xem nội dung VB
Điều 11. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
...
7. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

Số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập phát sinh tại trụ sở chính và tại cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc theo phụ lục số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này (bao gồm khai tạm tính theo quý và khai quyết toán theo năm) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính đồng thời gửi 1 bản cho các cơ quan thuế quản lý các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

a) Thủ tục luân chuyển chứng từ giữa Kho bạc và cơ quan thuế

Căn cứ số thuế thu nhập doanh nghiệp được tính nộp tại nơi có trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc trên phụ lục số 05/TNDN, doanh nghiệp lập chứng từ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở chính chuyển tiền và chứng từ thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước liên quan để hạch toán thu ngân sách nhà nước phần thuế của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

b) Quyết toán thuế

Doanh nghiệp khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính, số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán trừ đi số đã tạm nộp tại nơi đóng trụ sở chính và tạm nộp tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc. Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp hoặc hoàn khi quyết toán cũng được phân bổ theo đúng tỷ lệ tại nơi đóng trụ sở chính và tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc.

Xem nội dung VB
Điều 11. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
...
7. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

Số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập phát sinh tại trụ sở chính và tại cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc theo phụ lục số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này (bao gồm khai tạm tính theo quý và khai quyết toán theo năm) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính đồng thời gửi 1 bản cho các cơ quan thuế quản lý các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

a) Thủ tục luân chuyển chứng từ giữa Kho bạc và cơ quan thuế

Căn cứ số thuế thu nhập doanh nghiệp được tính nộp tại nơi có trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc trên phụ lục số 05/TNDN, doanh nghiệp lập chứng từ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở chính chuyển tiền và chứng từ thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước liên quan để hạch toán thu ngân sách nhà nước phần thuế của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

b) Quyết toán thuế

Doanh nghiệp khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính, số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán trừ đi số đã tạm nộp tại nơi đóng trụ sở chính và tạm nộp tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc. Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp hoặc hoàn khi quyết toán cũng được phân bổ theo đúng tỷ lệ tại nơi đóng trụ sở chính và tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc.

Xem nội dung VB
Điều 47. Xử lý số tiền thuế nộp thừa

1. Người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp đối với từng loại thuế thì được trừ vào tiền thuế phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được trả lại số tiền thuế nộp thừa.

2. Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu trả lại số tiền thuế nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế nộp thừa trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật quản lý thuế sửa đổi 2012

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế:
...
13. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 47. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.”*

Xem nội dung VB
Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế:
...
13. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 47. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.”

Xem nội dung VB




Công văn 716/TCT-KK năm 2017 về hoàn thuế giá trị gia tăng Ban hành: 03/03/2017 | Cập nhật: 15/03/2017