Công văn 18371/BTC-TCHQ năm 2016 báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống buôn lậu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Số hiệu: 18371/BTC-TCHQ Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 26/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18371/BTC-TCHQ
V/v báo cáo đánh giá công tác quản lý NN, đấu tranh phòng, chống buôn lậu đối với hàng hóa kinh doanh TNTX

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến kết luận của đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 10/11/2016 tại Văn phòng Chính phủ về việc đánh giá công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất và kiến nghị giải pháp phòng chống buôn lậu đối với loại hình này. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và qua công tác quản lý, giám sát đối với loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. Quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất:

1. Về chính sách quản lý:

- Điều 29 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam”.

- Điều 12 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định:

“- Việc tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa thuộc Phụ lục số 02 (Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại - nay là Bộ Công Thương), số 03 (Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành) kèm theo Nghị định này (nếu có quy định cấp phép) thương nhân phải có giấy phép của Bộ Thương mại. Đối với các loại hàng hóa khác không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại Hải quan cửa khẩu.»

- Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất;»

- Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định:

“- Tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp trên, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 (ba mươi) ngày và không quá 02 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất. Quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu và thuế.”

- Thông tư số 05/2013/TT-BCT ngày 18/02/2013 của Bộ Công Thương về kinh doanh tạm nhập tái xuất, một số loại hàng hóa quy định:

“- Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam không quá bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất chỉ được gia hạn một lần, thời hạn gia hạn không quá mười lăm (15) ngày. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng mười lăm (15) ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Hàng hóa không tái xuất sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định. Nếu phải tiêu hủy, chi phí tiêu hủy được trích từ số tiền ký quỹ đặt cọc của thương nhân.

- Trường hợp hàng hóa được gửi từ nước ngoài vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì thời gian làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất không quá mười lăm (15) ngày, kể từ ngày xuất kho ngoại quan.

- Không chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

- Không cho phép hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này được chuyển loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.”

- Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa quy định:

“- Hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu;

- Không chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

- Hàng hóa thuộc Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Thông tư này không được phép chuyển loại hình từ kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa”.

2. Về chính sách thuế đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất:

a. Thuế nhập khẩu:

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006), khoản 6, điều 15 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ và Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính thì hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất đã nộp thuế nhập khẩu, bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài) được xét hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu khi tái xuất. Trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất nếu đã thực tái xuất trong thời hạn nộp thuế thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng hóa thực tế đã tái xuất.

- Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế số 78/QH năm 2006 thì đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, thời hạn nộp thuế là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất.

- Căn cứ Luật Thuế XNK năm 2016 thì từ ngày 01/09/2016 hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) thuộc đối tượng miễn thuế với điều kiện được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương với số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập tái xuất.

b. Thuế tiêu thụ đặc biệt:

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 3 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn theo quy định của Pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

c. Thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Khoản 20, Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng thì hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

3. Về thủ tục hải quan:

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tam nhập tái xuất từ năm 2011 đến nay được quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau theo từng giai đoạn khác nhau. Cụ thể:

- Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2012, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện tương tự như đối với một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính và Quy trình thủ tục hải quan đối với một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

- Từ cuối năm 2012 đến 2013, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012, quy định tại Thông tư số 59/2013/TT-BTC ngày 08/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

- Từ năm 2014 đến 01/4/2015, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất thực hiện theo Thông tư số 94/2014/TT-BTC ngày 17/7/2014 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; xử lý đối với trường hợp từ chối nhận hàng; Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

- Từ 01/4/2015 đến nay, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất thực hiện theo Nghị định 08/2015 ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

II. Về báo cáo phân tích, đánh giá những kết quả, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hải quan, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động tạm nhập tái xuất từ năm 2011 đến tháng 10/2016:

1. Về đánh giá kết quả công tác giám sát, kiểm tra hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan:

1.1. Đánh giá công tác giám sát kiểm tra hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất:

Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa là tập quán kinh doanh quốc tế phổ biến, được khuyến khích phát triển ở những nước có vị trí địa lý, hệ thống cảng biển thuận lợi. Hoạt động này ở Việt Nam đã đem lại một số kết quả nhất định về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân trong nước, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho một số địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và tăng cường củng cố quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới với nước bạn (Trung Quốc, Campuchia). Quá trình thực hiện các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất trong giai đoạn đoạn từ 2011 - 2012 (Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ và Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính Điều 6) đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nhất định trong công tác quản lý, kiểm soát như sau:

(i) Việc kinh doanh tạm nhập tái xuất chưa thực sự đúng bản chất của hàng hóa tạm nhập tái xuất: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ thì tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu hoạt động như một người thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất ở Việt Nam thực hiện theo đúng quy định pháp luật Việt Nam nhưng khi xuất khẩu qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc thì thường được khách hàng Trung Quốc chỉ định giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để tránh nộp thuế và tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý phía Trung Quốc hoặc doanh nghiệp được chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển khi tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở (theo tiêu chuẩn của cư dân biên giới Trung Quốc) dẫn đến công tác giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn; các thông tin về chủ hàng nước ngoài, địa chỉ không rõ ràng nên rất khó khăn khi xác minh điều tra làm rõ.

(ii) Thời gian hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu tại Việt Nam quá dài (tối đa lên đến 180 ngày). Đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thông thường doanh nghiệp có thể mang hàng về bảo quản trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ quan Hải quan trong việc giám sát, quản lý tính nguyên trạng của hàng hóa. Đặc biệt là trong khâu thanh khoản, theo dõi nợ thuế; Thời gian thanh khoản dài (chậm nhất 45 ngày kể từ ngày hết hết thời hạn nộp thuế của tờ khai tạm nhập), thời hạn nộp thuế của tờ khai tạm nhập có thể lên tới 195 ngày nên việc theo dõi thanh khoản cũng gặp khó khăn, sơ hở lớn như trường hợp doanh nghiệp tạm nhập một lượng hàng lớn sau đó bán tiêu thụ nội địa rồi bỏ trốn hoặc tự giải thể doanh nghiệp;

(iii) Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất không có hạn chế hay cấm kinh doanh những mặt hàng cấm nhập khẩu, mặt hàng nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến môi trường, an toàn thực phẩm và dịch bệnh thông qua việc vận chuyển các mặt hàng này trên lãnh thổ Việt Nam. Chưa kể đến hàng hóa nguy hiểm này có thể thẩm lậu vào nội địa Việt Nam;

(iv) Cơ chế, chính sách quản lý và thủ tục hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất quá thông thoáng, nên đối tượng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa quá rộng. Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất cũng thông thoáng, cụ thể: thời hạn nộp thuế là 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập (như vậy tính từ ngày tạm nhập thì thời gian ân hạn thuế tối đa lên đến 195 ngày), hàng tạm nhập tái xuất không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, thuế TTĐB nên có doanh nghiệp lợi dụng khai loại hình tạm nhập tái xuất nhưng thực chất là tiêu thụ nội địa, sau đó khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian phải nộp thuế (bán hàng xong mới có tiền nộp thuế).

Từ thực tiễn phát sinh những bất cập, hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012 và công văn số 1757/TTg-KTTH ngày 31/10/2013 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản trên, theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng và ban hành Thông tư số 59/2013/TT-BTC ngày 08/5/2013, Thông tư số 94/2014/TT-BTC ngày 17/7/2014 hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Việc ban hành các Thông tư này đã góp phần giải quyết những bất cập trong công tác quản lý hải quan đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất như:

(i) Không cho phép chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định;

(ii) Rút ngắn thời gian hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn. Trường hợp quá thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam thương nhân chỉ được tái xuất qua cửa khẩu tạm nhập trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam. Trường hợp không tái xuất được thì bị tịch thu và xử lý theo quy định, trường hợp tiêu hủy thì chi phí tiêu hủy thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ của thương nhân;

(iii) Quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất; hàng hóa kinh doanh tạm nhập phải xin giấy phép nhằm minh bạch hóa chính sách quản lý đối với loại hình này;

(iv) Quy định cụ thể về địa điểm lưu giữ hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất bao gồm: khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu, cảng nội địa (ICD) hoặc kho ngoại quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất.

Để tiếp tục hoàn thiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, trên cơ sở kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư số 94/2014/TT-BTC về việc xác nhận doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất; địa điểm làm thủ tục hải quan; cửa khẩu tạm nhập, tái xuất, thời hạn lưu giữ; địa điểm lưu giữ, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể, thống nhất về thủ tục hải quan cũng như công tác theo dõi, quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2016 (Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84), các quy định này đảm bảo chặt chẽ, không phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất vừa đảm bảo công tác quản lý hải quan, theo đó:

- Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện theo phương thức hải quan điện tử.

- Việc theo dõi thanh khoản thực hiện trên hệ thống điện tử.

1.2. Đánh giá công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với loại hình gửi kho ngoại quan:

Cũng như hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, hoạt động kinh doanh kho ngoại quan đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, qua đó làm giảm tình trạng tiếp tay cho vận chuyển buôn lậu hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích do hoạt động này đem lại thì cũng tiềm ẩn một số nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan như: Việc cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan có thể là bất hợp pháp với các nước bạn có chung biên giới; hoặc có thể bị lợi dụng chính sách khuyến khích, quản lý thông thoáng xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan để quay vòng hàng hóa, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, buôn lậu hàng hóa gây thất thu cho ngân sách nhà nước cũng như tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Theo quy định pháp luật hiện hành thì hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất hiện được lưu giữ tại:

- Khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu.

- Cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa hoặc kho ngoại quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất.

- Kho, bãi của thương nhân thuộc địa bàn hoạt động hải quan đã được Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất (hiện có 84 kho, bãi của các thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đông lạnh theo phụ lục III Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương).

Hiện nay cả nước có 156 kho ngoại quan đang hoạt động dưới sự quản lý của 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Về cơ bản các kho đã được đưa vào khai thác, kinh doanh đúng quy định, tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chế độ quản lý và chế độ báo cáo với cơ quan hải quan, chưa để xảy ra tình trạng vi phạm, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Vị trí các kho ngoại quan được đặt tại các khu vực:

+ Cảng biển, cảng hàng không, nhà ga hàng hóa: 10 kho;

+ Khu vực cửa khẩu: 10 kho;

+ Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu: 134 kho;

+ Cảng nội địa (ICD): 02 kho.

Các kho ngoại quan được thành lập, hoạt động đúng quy định về pháp luật Hải quan. Doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan đã thực hiện đúng các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Công tác giám sát hàng hóa gửi kho ngoại quan nói chung và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nói riêng được thực hiện tốt bằng niêm phong hải quan kết hợp với sử dụng camera giám sát và có sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan

Thời gian qua không có vụ việc phát hiện sai phạm liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan nhất là hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước khi Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 được ban hành thì tại các khu vực cửa khẩu phía Bắc có hiện tượng lợi dụng chính sách ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan (hàng nhập khẩu chưa phải đóng thuế) sau đó tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan biên giới để thẩm lậu, tiêu thụ nội địa. Các mặt hàng chủ yếu gửi kho ngoại quan trong giai đoạn 2011-2014 là hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng tiêu dùng xa xỉ, không khuyến khích nhập khẩu (rượu, bia, xì gà, thuốc lá điếu xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi và gỗ nguyên liệu).

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản chỉ đạo và đã có hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn chặn gian lận (công văn 1757/TTg-KTTH ngày 31/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, công văn 7415/VPCP-KTTH ngày 23/9/2014 của Văn phòng Chính phủ). Theo đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu tái xuất (chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nơi đã có đầy đủ các lực lượng chức năng: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch), không cho phép tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan.

Ngoài ra, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại các công văn “MẬT” số 36/TTg-KTTH ngày 22/4/2015 và công văn số 1757/TTg-KTTH ngày 31/10/2013; căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ; Điều 5 Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương; trên cơ sở ý kiến thống nhất của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 1469/VPCP-KTTH ngày 14/7/2016 đối với các nội dung đánh giá, đề xuất tại Tờ trình Chính phủ số 78/TTr-BTC ngày 17/6/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính ban hành công văn số 612/BTC-TCHQ ngày 15/8/2015 quy định quản lý một số mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt gửi kho ngoại quan như sau:

(1) Mặt hàng rượu, thuốc lá điếu và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi các loại được gửi kho ngoại quan để xuất đi Trung Quốc qua cửa khẩu theo quy định tại Điều 4 Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm b mục 2 công văn số 1757/TTg-KTTH ngày 31/10/2013 về cửa khẩu tạm nhập tái xuất hàng hóa và hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương. Riêng mặt hàng rượu mạnh hiệu Chivas và thuốc lá điếu hiệu 555 gửi kho ngoại quan chỉ được xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; không được xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan (kể cả cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu).

(2) Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan, từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất và hàng hóa trong thời gian lưu giữ trong kho ngoại quan; hàng hóa kinh doanh TNTX trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng để gian lận thương mại, trốn thuế.

2. Về số liệu liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa:

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổng hợp số liệu trên cơ sở dữ liệu của Ngành Hải quan và báo cáo của 35 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, theo đó số liệu được tổng hợp theo các Bảng số liệu cụ thể như sau:

- Bảng 1: Bảng tổng hợp chung các thông tin: số lượng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả doanh nghiệp vận tải, kho bãi, ICD, kho ngoại quan); số tờ khai tạm nhập tái xuất; số lượng container; kim ngạch tạm nhập tái xuất (trong đó bao gồm số tờ khai của hàng hóa kinh doanh TNTX có thuế TTĐB và hàng hóa kinh doanh TNTX khác); số thu ngân sách địa phương đối với loại hình này.

- Bảng 2: Bảng thống kê chi tiết số lượng tờ khai, số container, kim ngạch kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng: ô tô, thuốc lá, rượu bia, hàng hóa chịu thuế TTĐB khác.

- Bảng 3: Bảng thống kê số lượng tờ khai, container, kim ngạch TNTX theo từng năm, từ năm 2011 đến tháng 10/2016

- Bảng 4: Bảng thống kê số tờ khai, số doanh nghiệp, kim ngạch tạm nhập tái xuất, số thu ngân sách địa phương của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm.

Qua số liệu thống kê cho thấy:

a. Mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng: gỗ, phân bón, xăng, dầu, rượu các loại, thuốc lá (những mặt hàng này tập trung tại các tỉnh phía Tây Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu và một số tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh), hàng nông sản, hàng tiêu dùng (tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai), trong đó nhiều mặt hàng làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh nhưng việc thực tái xuất hàng hóa thực hiện qua các tỉnh phía Bắc sang Trung Quốc, qua các tỉnh phía Nam sang Campuchia.

b. Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuộc mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: xe ô tô, rượu, bia, thuốc lá và hàng hóa khác chịu thuế TTĐB, số liệu đánh giá như sau;

- Năm 2011: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 97,151 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 5,121 tờ khai, chiếm 5,27%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 6,553,876,651 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 223,259,358 USD, chiếm 3,4%.

- Năm 2012: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 88,769 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 1,891 tờ khai, chiếm 2,13%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 5,630,239,168 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 330,850,872 USD, chiếm 5,87%.

- Năm 2013: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 89,783 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 2,187 tờ khai, chiếm 2,43%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 9,643,413,986 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 238,975,075 USD, chiếm 2,48%

- Năm 2014: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 78,683 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 700 tờ khai, chiếm 0,89%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 7,624,807,065 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 236,411,576 USD, chiếm 3,1%.

- Năm 2015: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 66,361 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 914 tờ khai, chiếm 1,38%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 5,480,207,097 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 162,167,271 USD, chiếm 2,96%.

- 10 tháng đầu năm 2016: Tổng số tờ khai kinh doanh TNTX là 46,514 tờ khai, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 1,896 tờ khai, chiếm 4,07%; Kim ngạch hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là: 5,981,601,662 USD, trong đó hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, thuốc lá, rượu, bia và hàng hóa khác) là 79,843,642 USD, chiếm 1,33%.

Như vậy, qua số liệu có thể thấy hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh tạm nhập tái xuất chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tổng số tờ khai và tổng kim ngạch kinh doanh TNTX.

c. Về số thu cho ngân sách địa phương:

Theo báo cáo của 23/29 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có phát sinh việc làm thủ tục theo loại hình kinh doanh TNTX (trong đó có 08 tỉnh, thành phố báo cáo có phát sinh số thu cho ngân sách địa phương và có 15 tỉnh, thành phố không phát sinh số thu này), số thu vào ngân sách địa phương đối với dịch vụ của hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất tạm nhập phát sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố từ năm 2011 - tháng 10/2016 là: 1940.87 tỷ đồng, trong đó số thu lớn nhất trong phạm vi toàn quốc là số thu ngân sách thành phố Hải Phòng với 1,315.8 tỷ đồng, số thu của ngân sách tỉnh Lào Cai với 248.49 tỷ đồng, số thu của tỉnh Quảng Ninh là 263 tỷ đồng. Như vậy hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đem lại số thu cho ngân sách địa phương chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, nơi có hàng hóa tạm nhập lớn (Hải Phòng) và hàng hóa tái xuất sang Trung Quốc khá lớn (Quảng Ninh, Lào Cai). Còn tại các tỉnh phía Nam và Tây Nam Bộ thì số thu vào ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố không đáng kể, nhiều tỉnh không có số thu này.

3. Về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất:

3.1. Kết quả công tác tham mưu chỉ đạo:

Trước diễn biến về tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, đặc biệt, thông qua lợi dụng loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu cho Tổng cục Hải quan ban hành nhiều Kế hoạch kiểm soát đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất như: Kế hoạch số 98/KH-TCHQ ngày 22/6/2012 về việc kiểm soát, xử lý đối với hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại cảng Hải Phòng; Kế hoạch số 324/KH-ĐTCBL ngày 14/10/2013 về việc kiểm soát, xử lý đối với hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại Hải Phòng, Quảng Ninh; Kế hoạch số 230/KH-ĐTCBL kiểm tra, xử lý đối với 2.796 container hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại cảng Hải Phòng mà tên hàng thể hiện trên Manifest là lốp, lốp đã qua sử dụng, phế liệu cao su nhằm:

- Phát hiện và xử lý đối với những hàng hóa đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan còn tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu đường bộ.

- Phát hiện và xử lý đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

- Từ đó, phát hiện những sơ hở của chính sách, của công tác quản lý để kiến nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết một cách căn bản tình trạng hàng hóa tồn đọng tại cảng.

3.2. Kết quả công tác đấu tranh bắt giữ, xử lý:

- Kết quả thực hiện Kế hoạch số 98/KH-TCHQ: Thực hiện Kế hoạch này, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 3.367 tờ khai kinh doanh tạm nhập tái xuất quá thời hạn chưa thanh khoản. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan khởi tố 03 vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hải Phòng, gồm: Công ty TNHH MTV Phương Thảo, Công ty TNHH Thành Đạt, Công ty TNHH thương mại Trường Phú Quý.

- Kết quả thực hiện Kế hoạch số 230/KH-ĐTCBL: Đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát, xử lý đối với 2.796 container hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại Cảng Hải Phòng mà tên hàng thể hiện trên Manifest là lốp, lốp đã qua sử dụng, phế liệu cao su.

- Kết quả thực hiện Kế hoạch số 324/KH-ĐTCBL: Đã thống kê, rà soát được 5.768 container hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn chưa làm thủ tục hải quan. Đã kiểm tra, khám xét 1.508 container, tạm giữ 10 container hàng là màn hình vi tính đã qua sử dụng, xe đạp cũ, ô tô đã qua sử dụng, tiêu hủy 02 container là chất cân bằng điện giải.

- Kết quả công tác xử lý đối với 143 xe ô tô tạm nhập tái xuất

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phá chuyên án “Dũng mặt sắt”, tạm giữ một số xe ô tô tạm nhập - tái xuất của một số doanh nghiệp tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/6/2015, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 1748/QĐ-TCHQ tịch thu toàn bộ 143 xe ô tô nêu trên do không xác định được chủ sở hữu. Ngoài ra còn ra quyết định tịch thu 01 xe ô tô trong số 26 xe ô tô của các Công ty: CP đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, TNHH Trường Giang Móng Cái, CP xuất nhập khẩu Đức Thịnh, Công ty CP Thương mại quốc tế NC do vi phạm liên quan đến tạm nhập tái xuất.

3.3. Một số chuyên án, vụ việc điển hình, thông qua thực hiện Chuyên đề kiểm soát mặt hàng xăng dầu, thuốc lá tạm nhập tái xuất:

Quá trình thực hiện các Kế hoạch liên quan đến kiểm soát hàng tạm nhập, tái xuất, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện các đường dây lợi dụng loại hình kinh doanh TNTX để buôn lậu có giá trị lớn, có tổ chức; xác lập chuyên án, điều tra làm rõ các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tạm nhập, tái xuất. Điển hình là:

- Xác lập, đấu tranh thành công Chuyên án TL-11 ngày 04/4/2011, bắt giữ 03 xe ô tô hiệu Toyota loại 12 chỗ ngồi và hơn 100.000 bao thuốc lá ngoại các loại (ba số 555. Zest, Marlboro, Esse), ước trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 3 tỷ VND. Đây là số hàng hóa tạm nhập, tái xuất thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ.

- Xác lập và phá thành công Chuyên án XD-612 bắt giữ được 04 tầu vi phạm quy định về loại hình TNTX, thu giữ 1.650 tấn xăng, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 27 tỷ đồng. Việc đấu tranh thành công chuyên án này góp phần ổn định giá cả mặt hàng xăng dầu trong nước, kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý đối với mặt hàng chiến lược này (CV số 402/BTC-TCHQ ngày 03/8/2012).

- Xác lập và phá thành công Chuyên án XKH09 bắt giữ buôn lậu 296 tấn xăng TNTX của Công ty Xăng dầu Hàng Không, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 8 tỉ đồng.

- Xác lập Chuyên án MT12 đấu tranh với hoạt động lợi dụng loại hình TNTX để buôn lậu ma tuý qua cảng Hải Phòng (Quyết định số 06/ĐTCBL-Đ1 ngày 17/10/2012). Thực hiện Chuyên án, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có quyết định khám số 13/QĐ-Đ1 ngày 19/10/2012 đối với 04 container của Công ty CP SX TM Hoàng Tiến. Kết quả: không phát hiện được ma túy, nhưng phát hiện ra hàng hóa tạm nhập là phụ phẩm gia cầm (chân gà) vi phạm quy định Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5737/QĐ-BCT ngày 28/9/2012 của Bộ Công thương. Đã giao Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hải Phòng xử lý theo thẩm quyền.

4. Một số khó khăn, vướng mắc của lực lượng Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa lợi dụng loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất từ năm 2011 đến nay:

Quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất, lực lượng Hải quan gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Do số lượng hàng hóa đã lưu đọng nhiều ngày tại các cảng, chứng từ tại các hãng tàu hầu hết đã đưa vào lưu trữ và một số trường hợp bị thất lạc, do vậy việc phối hợp xác minh, thu thập tài liệu kéo dài và gặp nhiều khó khăn.

- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa thường phải chia nhỏ để vận chuyển qua biên giới, nên dễ bị lợi dụng để thẩm lậu vào nội địa. Mặt khác, việc nắm bắt về thông tin về chính sách biên mậu của Trung Quốc còn chưa kịp thời. Khi Trung Quốc thắt chặt quản lý hàng hóa qua biên giới, nhiều lô hàng hóa tái xuất không đi qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định mà đi qua lối mòn, lối mở, việc này gây khó khăn trong việc kiểm soát của lực lượng Hải quan.

- Quá trình điều tra, xác minh gặp rất nhiều khó khăn, phải chờ ý kiến của cơ quan điều tra; đối tượng có liên quan bỏ trốn, không hợp tác; phải xác minh các đối tác ở nước ngoài (Hồng Kông, Trung Quốc); phải xác minh ở ngân hàng; phải đăng báo tìm chủ sở hữu...mới làm rõ được bản chất vụ việc.

II. Kiến nghị một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất:

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, chống tội phạm buôn lậu đối với hoạt động kinh doanh TNTX trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:

1. Triển khai đầy đủ, thống nhất các quy định của pháp luật, chính sách về TNTX. Trong đó:

a. Kiến nghị Chính phủ:

- Cần sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại theo hướng đảm bảo cho việc quản lý và thực hiện hoạt động TNTX đúng với bản chất, thông lệ quốc tế, hạn chế các sơ hở bị lợi dụng để buôn lậu.

- Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất như: hành vi tự ý tiêu thụ nội địa hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; chậm thanh khoản tờ khai tạm nhập tái xuất; tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu không đúng quy định; khai báo không đúng tên hàng, số lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

b. Qua thực tế triển khai thực hiện văn bản số 1469/VPCP-KTTH và văn bản số 612/BTC-TCHQ dẫn trên thấy có một số trường hợp doanh nghiệp không sử dụng loại hình gửi kho ngoại quan và chuyển sang sử dụng loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng rượu mạnh hiệu Chivas và thuốc lá điếu hiệu 555 nhằm tránh thực hiện quy định này. Do vậy, xét thấy hoạt động đưa hàng hóa từ nước ngoài vào kho ngoại quan, sau đó tái xuất ra nước ngoài có tính chất tương tự như đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, theo đó để đảm bảo thống nhất quản lý đối với mặt hàng rượu Chivas, thuốc lá hiệu 555, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải có biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng này tương tự như hoạt động gửi kho ngoại quan. Ngoài ra qua quá trình thực hiện theo dõi công tác quản lý trong thời gian qua, thì nhận thấy mặt hàng rượu Ballantines và ô tô đã qua sử dụng quá 05 năm kể từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu cũng đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1136/VPCP-KTTH ngày 01/8/2012, Bộ Công Thương cũng có văn bản MẬT số 301/BCT-XNK ngày 09/8/2013 nêu rõ việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu kể từ ngày 15/8/2012, riêng các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu với Lào, Campuchia được tiếp tục kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu sang các thị trường này.

Từ lý do trên, để thống nhất quy định quản lý đối với các mặt hàng trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ để hướng dẫn cụ thể nội dung sau:

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, không cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan gồm mặt hàng rượu mạnh hiệu Chivas, rượu Ballantines, Cognac, thuốc lá điếu hiệu 555, ô tô đã qua sử dụng kể từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, xăng dầu các loại làm thủ tục tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan, kể cả cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan nằm trong khu kinh tế cửa khẩu. Địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu, thẩm lậu vào nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất hàng hóa gửi kho ngoại quan thì dừng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan tại địa phương đó.

c. Kiến nghị Bộ Công Thương:

- Kịp thời nắm tình hình áp dụng, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ Công thương quy định về hoạt động TNTX, chuyển khẩu hàng hóa.

- Đưa hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất theo đúng bản chất loại hình này, đồng thời nghiên cứu quy định loại hình thương mại phù hợp với trường hợp doanh nghiệp chỉ cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam sang nước thứ ba để hưởng phí dịch vụ, hoa hồng (quá cảnh, trung chuyển...).

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm bắt các thông tin thay đổi trong chính sách biên mậu của phía đối tác Trung Quốc để cung cấp thông tin, đưa ra những khuyến cáo cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu để kịp thời điều chỉnh, tránh tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu, gây thiệt hại về kinh tế, tạo cơ hội cho hàng thẩm lậu vào nội địa.

d. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo:

- Các cơ quan quản lý kinh doanh cảng biển sửa đổi các quy định về trách nhiệm của Đại lý, Công ty vận tải đối với hàng hóa đưa vào cảng biển Việt Nam và giải quyết, xử lý đối với hàng hóa tồn đọng, bị từ chối nhận.

- UBND các tỉnh biên giới nơi có hàng hóa tái xuất cần chỉ đạo các Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu tổ chức quản lý chặt chẽ các đường mòn, lối mở, không để hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất vận chuyển không đúng tuyến đường, khu vực quy định hoặc thẩm lậu vào nội địa.

2. Nâng gao hiệu quả công tác đấu tranh với hoạt động lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất để buôn lậu:

- Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp, mở các đợt cao điểm đấu tranh để phát hiện, xử lý tội phạm ở lĩnh vực này. Trong đó hết sức chú trọng tới việc gắn công tác chống buôn lậu với triệt phá các ổ nhóm, đường dây tội phạm hình sự hoạt động ở các cảng biển, tuyến, khu vực biên giới đường bộ.

- Lực lượng Công an, Bộ Đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan, Quản lý thị trường:

+ Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về giám sát, quản lý đối với hàng tạm nhập, tái xuất vận chuyển trong nội địa hoặc trên tuyến biển trước khi tái xuất ra nước ngoài, bảo đảm tất cả các lô hàng tạm nhập đều phải tái xuất, không thẩm lậu vào nội địa.

+ Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin qua các kênh hợp tác quốc tế như INTERPOL, ASEANPOL, tình báo hải quan,... để thu thập thông tin, phát hiện các đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất. Xác lập các chuyên án để đấu tranh phòng chống tội phạm.

+ Tổ chức quản lý và kiểm tra chặt chẽ nội bộ, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các nghiêm các cán bộ, công chức, chiến sĩ bị móc nối, lôi kéo để tiếp tay cho buôn lậu lợi dụng hoạt động kinh doanh kinh doanh tạm nhập tái xuất.

- Nghiên cứu sớm vận hành và đưa vào hoạt động hệ thống niêm phong điện tử trong việc giám sát việc vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý đối với loại hình này. Kiểm tra việc thực hiện giám sát hành trình đối với hoạt động vận tải container nhằm giám sát chặt chẽ hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ các cảng biển - vào nội địa và ra các cửa khẩu đường bộ.

Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai như trên. Đồng thời trên cơ sở đánh giá về công tác quản lý nhà nước, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa, Bộ Tài chính đã dự thảo kèm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);
- Bộ trưởng BTC (để b/cáo);
- Lưu: VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

Điều 29. Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá

1. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

2. Tạm xuất, tái nhập hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam.

3. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa.

*Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 3 Điều 112 Luật Quản lý ngoại thương 2017

Điều 112. Hiệu lực thi hành
...
3. Bãi bỏ ... khoản 3 Ðiều 29 ... của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.*

Xem nội dung VB
Điều 12. Tạm nhập tái xuất hàng hóa

1. Thương nhân được quyền kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa theo các quy định sau đây:

a) Việc tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá thuộc Phụ lục số 02, số 03 kèm theo Nghị định này (nếu có quy định cấp phép) thương nhân phải có giấy phép của Bộ Thương mại.

b) Đối với các loại hàng hoá khác không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại Hải quan cửa khẩu.

2. Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.

3. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

4. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Xem nội dung VB
Điều 11. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa

Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định sau:

1. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

2. Đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

*Khoản này được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 77/2016/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2... Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

“2. Trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất và hàng hóa thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hóa tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập tái xuất. Chính phủ giao Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất quy định tại khoản này.*

3. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng sau đây là loại hình kinh doanh có điều kiện:

a) Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường.

c) Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt theo danh mục do Bộ Công Thương công bố.

Chính phủ giao Bộ Công Thương quy định cụ thể điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Khoản 3 Điều này và điều kiện khi kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng này.

*Khoản này được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 77/2016/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung ...khoản 3 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
...
3. Những mặt hàng sau đây thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện:

a) Hàng hóa đã qua sử dụng;

b) Hàng thực phẩm đông lạnh;

c) Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ giao Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện nêu tại khoản này.”*

4. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 (ba mươi) ngày và không quá 2 (hai) lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu và thuế.

5. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của Hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

6. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

7. Tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

8. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất:

a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật.

Việc tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, địa điểm khác thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với tạm nhập, tái xuất gỗ với các nước có chung đường biên giới, căn cứ quy định của Nghị định này và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể về cửa khẩu tạm nhập, tái xuất.

9. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo cơ chế quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành.

Xem nội dung VB
Điều 19. Hoàn thuế

1. Các trường hợp hoàn thuế:
...
d) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm;

Xem nội dung VB
Điều 15. Hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
...
6. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng hóa tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu ủy thác cho phía nước ngoài sau đó tái xuất đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu tái xuất vào khu phi thuế quan (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này).

Xem nội dung VB
Điều 42. Thời hạn nộp thuế

1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

2. Trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan quản lý thuế.

3. Thời hạn nộp thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được quy định như sau:

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng tiêu dùng phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng; trường hợp có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế không quá ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

c) Đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là hai trăm bảy lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn hai trăm bảy lăm ngày phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ;

d) Đối với hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập;

đ) Đối với hàng hoá khác là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

e) Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan hải quan hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hạn nộp thuế quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này được tính từ ngày ra quyết định xử lý.

*Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 4 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13

Điều 3

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13:
...
4. Bãi bỏ khoản 3 Điều 42.*

4. Để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 3 Điều này, người nộp thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây:

a) Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là ba trăm sáu lăm ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt, chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Trường hợp không đáp ứng một trong hai điều kiện trên thì người nộp thuế phải nộp thuế trước khi nhận hàng.

5. Trong trường hợp được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế được thực hiện theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá thời hạn nộp thuế quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này. Hết thời hạn bảo lãnh hoặc thời hạn nộp thuế mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp số tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thay cho người nộp thuế.

*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật quản lý thuế sửa đổi 2012

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế:
...
11. Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 42. Thời hạn nộp thuế

1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

2. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

Đối với các khoản thu từ đất đai, lệ phí trước bạ thì thời hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan.

3. Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định như sau:

a) Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;

- Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt;

- Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê;

- Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh.

Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc không được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa;

b) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh;

c) Hàng hóa không thuộc điểm a và điểm b khoản này thì phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế theo quy định tại Điều 106 của Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

d) Các trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.”*

Xem nội dung VB
Điều 3. Đối tượng không chịu thuế
...
2. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
...
c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Xem nội dung VB
Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
...
20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất; gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Xem nội dung VB
Điều 6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại quy định tại mục 1 Chương II Nghị định số 154/2005/NĐ-CP bao gồm:

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá;

2. Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;

3. Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu;

4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

5. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài;

6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;

7. Hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;

8. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại của tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân;

9. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất;

10. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế;

11. Hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập dự hội chợ, triển lãm;

12. Hàng hoá tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình, phục vụ các dự án đầu tư, là tài sản đi thuê, cho thuê.

Xem nội dung VB
Điều 6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại quy định tại mục 1 Chương II Nghị định số 154/2005/NĐ-CP bao gồm:

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá;

2. Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;

3. Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu;

4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

5. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài;

6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;

7. Hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;

8. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại của tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân;

9. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất;

10. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế;

11. Hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập dự hội chợ, triển lãm;

12. Hàng hoá tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình, phục vụ các dự án đầu tư, là tài sản đi thuê, cho thuê.

Xem nội dung VB
Điều 12. Tạm nhập tái xuất hàng hóa

1. Thương nhân được quyền kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa theo các quy định sau đây:

a) Việc tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá thuộc Phụ lục số 02, số 03 kèm theo Nghị định này (nếu có quy định cấp phép) thương nhân phải có giấy phép của Bộ Thương mại.

b) Đối với các loại hàng hoá khác không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại Hải quan cửa khẩu.

2. Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.

3. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

4. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Xem nội dung VB
Điều 81. Xác nhận doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa

1. Thương nhân có nhu cầu đề nghị Bộ Công Thương cấp mã số tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 05/2014/TT-BCT thì lập 01 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục Hải quan. Bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị xác nhận doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa gửi Tổng cục Hải quan: 01 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 01 bản chụp.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan kiểm tra thông tin trên Hệ thống dữ liệu, có văn bản xác nhận hoặc trả lời doanh nghiệp trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện để được xác nhận.

Điều 82. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập-tái xuất

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập-tái xuất thực hiện như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Mục 5 Chương III Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, một số nội dung được hướng dẫn bổ sung như sau:

1. Thủ tục hải quan tạm nhập

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan:

Thủ tục hải quan tạm nhập hàng hoá được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập;

b) Hồ sơ hải quan tạm nhập:

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này, ngoài ra trong hồ sơ hải quan tạm nhập phải có:

b.1) Hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu: 01 bản chụp;

b.2) Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ:

b.2.1) Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp: 01 bản chụp;

b.2.2) Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng theo quy định phải được Bộ Công Thương cấp phép: 01 bản chính.

2. Thủ tục hải quan tái xuất

a) Địa điểm làm thủ tục tái xuất:

Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất. Riêng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện theo quy định của Chính phủ thì phải làm thủ tục hải quan tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập;

b) Hồ sơ hải quan tái xuất:

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.

Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục hải quan tạm nhập, người khai hải quan thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này thì khi làm thủ tục hải quan tái xuất, việc khai hải quan cũng được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;

c) Khi làm thủ tục tái xuất, thương nhân phải khai báo thông tin về số tờ khai tạm nhập, số thứ tự của dòng hàng trên tờ khai tạm nhập tương ứng với từng dòng hàng tái xuất để Hệ thống theo dõi trừ lùi; Hệ thống tự động thực hiện trừ lùi theo số lượng trên tờ khai tạm nhập tương ứng.

Một tờ khai tạm nhập có thể được sử dụng để làm thủ tục tái xuất nhiều lần; một tờ khai tái xuất hàng hóa chỉ được khai báo theo một tờ khai tạm nhập hàng hóa tương ứng. Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai tái xuất kiểm tra thông tin về tờ khai hải quan tạm nhập trên Hệ thống để làm thủ tục tái xuất.

Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì người khai hải quan phải khai cụ thể hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên ô “Chứng từ đi kèm” của tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này.

3. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất

a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương;

b) Trường hợp thay đổi cửa khẩu tái xuất đã khai trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu nhưng không thay đổi phương thức vận chuyển thì người khai hải quan có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai, nếu được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phê duyệt thì công chức hải quan thực hiện chuyển địa điểm giám sát trên Hệ thống. Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi đang lưu giữ hàng hóa lập biên bản bàn giao và niêm phong hàng hóa để chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

Trường hợp thay đổi cửa khẩu tái xuất đã khai trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa chưa thông quan thì người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư này. Nếu thay đổi cửa khẩu tái xuất làm thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa thì người khai hải quan khai bổ sung cửa khẩu xuất tại ô “Phần ghi chú”, sửa đổi thông tin “Địa điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu;

c) Trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập nhưng tái xuất vào khu phi thuế quan, kho ngoại quan hoặc khu chế xuất thì cửa khẩu xuất hàng là khu phi thuế quan, kho ngoại quan hoặc khu chế xuất.

4. Thời hạn lưu giữ

a) Thời hạn hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuơng mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

b) Trường hợp thương nhân cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập hàng hóa, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét, chấp nhận ký, đóng dấu Chi cục trên văn bản đề nghị của thương nhân và trả lại thương nhân để làm thủ tục tái xuất hàng hóa; lưu hồ sơ hải quan 01 bản chụp. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần cho mỗi lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, mỗi lần không quá 30 ngày;

c) Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ hoặc hàng hóa thuộc Danh mục không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công Thương thì quá thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam thương nhân chỉ được tái xuất qua cửa khẩu tạm nhập trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam (không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập). Trường hợp không tái xuất được thì bị tịch thu và xử lý theo quy định; Trường hợp phải tiêu hủy thì thương nhân chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tiêu hủy. Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất trong việc bàn giao, quản lý, giám sát và xử lý hàng hóa quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam.

5. Địa điểm lưu giữ

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất (bao gồm các trường hợp đã hoàn thành thủ tục tạm nhập hoặc đã hoàn thành thủ tục tái xuất, chờ thực xuất) được lưu giữ tại một trong các địa điểm sau:

a) Khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu;

b) Cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa hoặc kho ngoại quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất;

c) Kho, bãi của thương nhân thuộc địa bàn hoạt động hải quan đã được Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất.

6. Giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất khi vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất, người khai hải quan/người vận chuyển phải khai báo vận chuyển qua Hệ thống trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa tạm nhập tại một cửa khẩu nhưng tái xuất tại cửa khẩu khác;

b) Hàng hóa tạm nhập tại một cửa khẩu nhưng đưa hàng về địa điểm lưu giữ sau đó tái xuất tại cửa khẩu khác.

Thủ tục hải quan vận chuyển hàng hóa từ nơi đi đến nơi đến thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan tại Điều 51 Thông tư này.

7. Thủ tục hải quan chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Thông tư này.

Điều 83. Quản lý, giám sát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất

1. Quản lý hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất

a) Không cho phép chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ container để tái xuất thì thương nhân có văn bản đề nghị trong đó nêu rõ lý do, thời gian thực bắt đầu và kết thúc việc thay đổi, chia nhỏ container để tái xuất; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý các địa điểm lưu giữ hàng hóa xem xét quyết định nếu hàng hóa, phương tiện đáp ứng các điều kiện sau đây:

a.1) Hàng hóa đang được lưu giữ tại các địa điểm quy định tại khoản 5 Điều 82 Thông tư này hoặc các điểm thông quan; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới;

a.2) Container hoặc phương tiện vận tải hàng hóa phải đảm bảo điều kiện để niêm phong hải quan; Trường hợp không thể niêm phong hải quan thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất áp dụng phương thức giám sát hải quan phù hợp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

b) Hàng hóa trong thời gian chuyển sang container hoặc phương tiện vận tải khác phải chịu sự giám sát hải quan;

c) Hàng hoá tạm nhập, tái xuất đã làm thủ tục hải quan phải được tập kết đầy đủ tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu tạm nhập hoặc cửa khẩu tái xuất và tái xuất qua cửa khẩu trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi hàng đến cửa khẩu xuất; trường hợp chưa thể xuất được hoặc chưa xuất hết, nếu thương nhân có văn bản đề nghị thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất xem xét, gia hạn để xuất khẩu hết trong các ngày kế tiếp, nhưng phải trong thời hạn lưu giữ tại Việt Nam. Trong thời gian chờ tái xuất tiếp, hàng hóa phải được lưu giữ tại các địa điểm quy định tại khoản 5 Điều 82 Thông tư này;

d) Trường hợp cửa khẩu tái xuất khác cửa khẩu tạm nhập, Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập thực hiện niêm phong hàng hóa để giao cho người khai hải quan vận chuyển hàng hóa ra cửa khẩu tái xuất.

2. Quản lý hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa (hoặc cảng nội địa)

a) Hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập, chưa làm thủ tục tái xuất chỉ được gửi kho ngoại quan hoặc cảng nội địa do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập quản lý. Việc kiểm tra thực tế khi làm thủ tục tái xuất được thực hiện tại kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập quản lý; Hàng hóa đã làm thủ tục tái xuất được gửi kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa tại cửa khẩu xuất;

b) Quản lý hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.

b.1) Trách nhiệm của thương nhân:

b.1.1) Sau khi đã làm thủ tục hải quan tạm nhập hoặc tái xuất, nếu hàng hóa còn trong thời hạn được lưu giữ tại Việt Nam thì thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tái xuất đề nghị được gửi vào kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa để chờ làm thủ tục tái xuất hoặc chờ thực xuất, trong đó nêu rõ số tờ khai tạm nhập hoặc tờ khai tái xuất;

b.1.2) Chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian lưu giữ tại kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

b.1.3) Nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính tờ khai tạm nhập hoặc tờ khai tái xuất đã hoàn thành thủ tục hải quan cho Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy;

b.1.4) Trường hợp hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập gửi kho ngoại quan, cảng nội địa để chờ làm thủ tục tái xuất: Khi đưa hàng hóa từ kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa ra cửa khẩu xuất, thương nhân phải làm thủ tục hải quan tái xuất trước khi làm thủ tục đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan, cảng nội địa.

b.2) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tái xuất xác nhận (ký tên, đóng dấu công chức) trên công văn đề nghị và trả cho doanh nghiệp để làm thủ tục đưa vào kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, đồng thời sao chụp lưu kèm hồ sơ hải quan;

b.3) Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập thực hiện như đối với hàng hóa từ nội địa đưa vào kho ngoại quan theo hướng dẫn tại Điều 91 Thông tư này;

b.4) Việc giám sát hải quan đối với hàng hóa đã làm thủ tục hải quan tạm nhập vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa để chờ làm thủ tục tái xuất và ngược lại thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan theo hướng dẫn tại Thông tư này;

b.5) Việc hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan chỉ được thực hiện sau khi hàng hóa đã thực xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều 84. Quản lý, theo dõi tờ khai hải quan tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập

1. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất

a) Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất trên Hệ thống.

Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tái xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy thì việc theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy;

b) Sau khi tái xuất, thương nhân thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu cho tờ khai tạm nhập theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập.

2. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP:

a) Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất theo dõi, quản lý lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập trên Hệ thống. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký với cơ quan hải quan nhưng chưa làm thủ tục tái xuất, tái nhập hoặc chưa thực hiện việc gia hạn thời gian tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện ấn định thuế (nếu có).

Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tạm xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy (bao gồm cả trường hợp khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất container/bồn mềm rỗng đối với phương tiện quay vòng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP) thì thủ tục tái xuất, tái nhập và theo dõi lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực hiện trên tờ khai hải quan giấy;

b) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, sau khi tái xuất, tái nhập, người khai hải quan thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu cho tờ khai tạm nhập, tạm xuất theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này;

c) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải làm thủ tục theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

3. Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan giấy, sau khi tái xuất, tái nhập hàng hóa

a) Đối với hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế hoặc không chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu hoặc có thuế suất thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu 0%:

a.1) Người khai hải quan nộp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất bộ hồ sơ gồm:

a.1.1) Công văn đề nghị quyết toán tờ khai tạm nhập, tạm xuất, trong đó nêu rõ số tờ khai tạm nhập, tạm xuất, tái nhập, tái xuất: 01 bản chính;

a.1.2) Tờ khai hải quan hàng hóa tái xuất, tái nhập: 01 bản chụp;

a.1.3) Chứng từ thanh toán cho hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất: nộp 01 bản chụp.

a.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ, công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu bộ hồ sơ do người khai hải quan nộp với bộ hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan để thực hiện việc quyết toán, xác nhận trên tờ khai hải quan tạm nhập, tạm xuất lưu tại cơ quan hải quan;

b) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, xuất khẩu, sau khi tái xuất, tái nhập, người khai hải quan thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu cho tờ khai tạm nhập, tạm xuất theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.

Xem nội dung VB
Điều 5. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất hàng hóa

1. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định.

2. Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước. Các cửa khẩu phụ, điểm thông quan này do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan quy định tại Khoản 2 Điều này và công bố danh sách doanh nghiệp được lựa chọn.

4. Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 4. Các loại cửa khẩu biên giới đất liền

Căn cứ vào phạm vi đối tượng xuất, nhập; cửa khẩu biên giới đất liền được chia thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ và lối mở biên giới (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới).

1. Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.

Xem nội dung VB
2. Đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách:
...
b) Về cửa khẩu tạm nhập tái xuất hàng hóa:

- Việc tạm nhập tái xuất hàng hóa thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định.

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thống nhất với các Bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước khi công bố các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong Khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ nằm ngoài Khu kinh tế cửa khẩu đủ điều kiện để tái xuất hàng hóa khi đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi với Bộ Công Thương để lựa chọn và giao cho một số thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan nêu trên, không để xảy ra buôn lậu, thẩm lậu; đình chỉ hoạt động tái xuất qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan nếu để xảy ra buôn lậu, thẩm lậu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ việc này.

Xem nội dung VB
Điều 5. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất hàng hóa

1. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định.

2. Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước. Các cửa khẩu phụ, điểm thông quan này do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan quy định tại Khoản 2 Điều này và công bố danh sách doanh nghiệp được lựa chọn.

4. Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB