Công văn 1315/BGDĐT-GDTH năm 2020 về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: 1315/BGDĐT-GDTH Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Hữu Độ
Ngày ban hành: 16/04/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1315/BGDĐT-GDTH
V/v hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2020

 

Kính gửi:

- Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố;
- Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu.

Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với cấp Tiểu học (Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn đối với cấp Tiểu học từ năm học 2020-2021 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Giúp các cấp quản lý thống nhất nội dung chỉ đạo về sinh hoạt chuyên môn; xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn về các nội dung tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nghiên cứu bài học, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tiểu học để thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học; nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn ở các cơ sở giáo dục tiểu học.

2. Yêu cầu

- Cấp có thẩm quyền thực hiện công tác chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức sinh hoạt chuyên môn chất lượng và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học, phù hợp với địa phương, điều kiện thực tế nhà trường.

- Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt Kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sinh hoạt chuyên môn của các tổ chuyên môn, không đánh giá giáo viên và không xếp loại giờ dạy trong sinh hoạt chuyên môn.

- Cán bộ quản lý, giáo viên tích cực, trách nhiệm, tự giác thực hiện các nội dung sinh hoạt chuyên môn theo quy định, chủ động đề xuất các nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

II. Nội dung và cách thức sinh hoạt chuyên môn

1. Tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018

- Vào đầu năm học, tổ trưởng chuyên môn giao nhiệm vụ cho giáo viên nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học), đề xuất nội dung cần thảo luận trong năm học, trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt thực hiện.

- Thành viên trong tổ chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung theo kế hoạch; chia sẻ, trao đổi, thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn.

2. Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục

Căn cứ vào chương trình môn học/hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của nhà trường, sách giáo khoa và tài liệu dạy học có liên quan, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình môn học/hoạt động giáo dục theo tuần, học kỳ trong năm học. Tổ trưởng chuyên môn trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt thực hiện.

3. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Bước 7. Xây dựng bài học minh họa

- Tổ chuyên môn thảo luận, thống nhất lựa chọn bài học minh họa căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc lựa chọn giáo viên dạy học minh họa cần đảm bảo các giáo viên trong tổ chuyên môn đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng ký dạy học minh họa.

- Giáo viên dạy học minh họa nghiên cứu chương trình môn học, kế hoạch dạy học môn học, sách giáo khoa và tài liệu dạy học liên quan, phối hợp với các giáo viên khác trong tổ chuyên môn để xây dựng bài học minh họa. Việc xây dựng bài học minh họa cần đảm bảo xác định rõ yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh,... cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Lưu ý, không tổ chức dạy trước bài học minh họa.

Bước 2. Tổ chức dạy học minh họa và dự giờ

Trên cơ sở bài học minh họa đã được xây dựng, giáo viên thực hiện dạy học để tổ chuyên môn dự giờ, phân tích bài học. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên theo các yêu cầu sau:

- Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị "bỏ quên".

- Trình bày kết quả và thảo luận: hình thức trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung học tập và kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.

- Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến trao đổi, thảo luận của học sinh nhằm giúp học sinh có hứng thú, niềm tin trong học tập, cải thiện được kết quả học tập; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.

Trong quá trình tổ chức dạy học và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học sinh để sử dụng khi phân tích bài học, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.

Bước 3. Phân tích bài học

Toàn trường hoặc tổ chuyên môn tổ chức trao đổi, chia sẻ, tập trung vào các nội dung:

+ Hoạt động học của học sinh: khả năng tiếp nhận và mức độ “sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp; sự tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; sự tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả, sản phẩm học tập; sự chính xác, phù hợp của kết quả, sản phẩm học tập; thái độ và cảm xúc của học sinh trong từng hoạt động.

+ Tổ chức hoạt động học cho học sinh: cách thức chuyển giao nhiệm vụ học tập; cách quan sát, theo dõi, phát hiện những khó khăn của học sinh; biện pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tự học, hợp tác; việc phân tích, nhận xét kết quả hoạt động, quá trình học tập của học sinh.

+ Một số nguyên nhân tác động đến hoạt động học của học sinh: kế hoạch bài học (yêu cầu cần đạt, đồ dùng dạy học, các hoạt động học,...); sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; tâm lý, sinh lý học sinh; không khí lớp học,...

Bước 4. Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày

Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở giáo dục và đào tạo

- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá hoạt động sinh hoạt chuyên môn phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến nhằm tạo sự lan tỏa tích cực việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn tại địa phương.

2. Phòng giáo dục và đào tạo

- Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên môn tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn.

- Quy định và chỉ đạo tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo trường, cụm trường phù hợp với từng đối tượng giáo viên, từng vùng miền đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

- Kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên địa bàn hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

- Kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý hợp lý trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại địa bàn; tổng hợp ý kiến của các cơ sở giáo dục tiểu học và báo cáo sở GDĐT trong quá trình thực hiện sinh hoạt chuyên môn trên địa bàn.

3. Cơ sở giáo dục tiểu học

- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của các tổ chuyên môn; tham gia, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn tại đơn vị.

- Tổ chức thực hiện các nội dung sinh hoạt chuyên môn theo quy định; cán bộ quản lý, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, chủ động đề xuất các nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

- Kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý hợp lý trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn; tổng hợp ý kiến của các tổ chuyên môn và báo cáo phòng GDĐT trong quá trình thực hiện sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường.

Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục tiểu học triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này từ năm học 2020-2021; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GDĐT (Vụ Giáo dục Tiểu học, email: vugdth@moet.gov.vn.) trước ngày 30/6 hằng năm.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Cục, Vụ, Viện KHGDVN;
- Lưu: VT, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ